Những bộ phim Mỹ hay nhất mọi thời đại giành được tượng vàng Oscar, bạn đã xem hết chưa?
Không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần, những bộ phim Mỹ hay đoạt giải Oscar còn truyền tải những thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa. Theo bạn, những bộ phim Mỹ hay nhất mọi thời đại gồm những bộ phim nào?
Giải Oscar được xem như là giải thưởng uy tín nhất để đánh giá một bộ phim. Hãy cùng ELLE điểm qua những bộ phim Mỹ hay nhất mọi thời đại nắm giữ tượng vàng Oscar danh giá.
THE GODFATHER – BỐ GIÀ (1972)
Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo, The God Father – Bố già được xem là phim Mỹ hay xuất sắc nhất mọi thời đại. Tập hợp dàn diễn viên kỳ cựu, khả năng đạo diễn xuất sắc, kịch bản gọn gàng và chặt chẽ… tất cả đã tạo nên một bộ phim gần như hoàn hảo. Nó cũng là một trong những bộ phim hình sự và mafia gây ảnh hưởng nhất khi ngay cả những băng nhóm xã hội đen ngoài đời cũng… bắt chước cách xử sự, nói chuyện và ăn mặc y như trong phim. Bộ phim đã thu về 268 triệu đô la trên toàn cầu.
THE GODFATHER II – BỐ GIÀ PHẦN II (1974)
Ít có bộ phim nào sản xuất phần hai và đạt được thành công vang dội như Bố già phần II. Với các nhà phê bình phim, phần II của bộ phim thậm chí còn xuất sắc hơn cả phần đầu khi tiếp tục kể về cuộc đời của Don Michael Corleone sau khi trở thành bố già và thời niên thiếu của Don.
SCHINDLER’S LIST – DANH SÁCH CỦA SCHINDLER (1993)
Đạo diễn Steven Spielberg đã khắc họa chân thực và xuất sắc thời kì đen tối trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ II, khi người Do Thái bị tàn sát tàn bạo bởi chính quyền của Hitler. Bộ phim kể về Oskar Schindler, một doanh nhân người Đức đã dùng quyền lực của mình để cố gắng cứu sống những người Do Thái thoát khỏi tình trạng bị diệt vong. Danh sách của Schindler vừa là một bộ phim ám ảnh, đau lòng nhưng cũng đầy sâu sắc, chứa đựng giá trị nhân văn khi nhắc nhở chúng ta nhớ về một thời kì đen tối của nhân loại.
UNFORGIVEN – KHÔNG THỂ THA THỨ (1992)
Được đạo diễn và đóng chính bởi Clint Eastwood, Unforgiven là phim Mỹ hay bạn không thể bỏ qua nếu yêu thích thể loại cao bồi viễn tây. Bộ phim kể về tay sát thủ William Munny đã rửa tay gác kiếm nhưng một lời đề nghị hấp dẫn đã khiến hắn phải suy nghĩ lại. Bộ phim cũng có bí mật bên lề khá hấp dẫn khi Clint Eastwood đã cầm kịch bản Unforgiven trong tay vào năm 1979, nhưng thấy mình còn quá trẻ để vào vai William Munny, ông đã đợi 15 năm để mình… đủ già để có thể đóng phim này.
ANNIE HALL – NÀNG ANNIE HALL (1977)
Được xem là bộ phim hay nhất của đạo diễn Woody Allen và một trong những bộ phim hài kịch lãng mạn hay nhất mọi thời đại, mà chủ yếu là do diễn xuất xuất sắc của nữ diễn viên Diane Keaton cùng những câu thoại hài hước nhưng không kém phần sâu lắng, Annie Hall đã giành giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất. Bộ phim cũng đạt doanh thu khổng lồ 38 triệu đô, chỉ tính riêng ở thị trường Bắc Mỹ.
12 YEARS A SLAVE – 12 NĂM NÔ LỆ (2013)
Dựa trên cuộc đời có thật của Solomon Northup khi ông bị bắt cóc để làm nô lệ và chỉ được trả tự do sau 12 năm, tính chân thực và khả năng diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên là nhân tố giúp cho bộ phim 12 năm nô lệ trở thành một bộ phim Mỹ hay nói về chế độ nô lệ nói riêng và nhân tính, nhân quyền nói chung, những vấn đề vẫn còn nhức nhối trên thế giới ở thời điểm này. Bộ phim cũng đã đem về giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cùng doanh thu 187 triệu đô khi được trình chiếu ở ngoài rạp.
ONE FLEW OVER THE CUCKOO’S NEST – BAY TRÊN TỔ CHIM CÚC CU (1975)
Mặc dù tác giả của cuốn tiểu thuyết cùng tên – Ken Kesey – không thích và chưa bao giờ xem bộ phim được chuyển thể lại từ cuốn sách của mình nhưng không thể phủ nhận Bay trên tổ chim cúc culà tác phẩm kinh điển của điện ảnh Mỹ, đặc biệt là nội dung phản ánh bề ngoài tĩnh lặng nhưng ẩn chứa vô vàn bất ổn bên trong của xã hội Mỹ những năm 1970. Bay trên tổ chim cúc cu đã giành được giải Oscar cho Nam, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất.
TITANIC – CON TÀU TITANIC (1997)
Đây có lẽ là lựa chọn gây nhiều tranh cãi nhất trong danh sách này khi nhiều người cho rằng nội dung của Titanic chỉ phù hợp là một bộ phim tình cảm diễm tình chứ không phải là một tác phẩm xuất sắc đoạt giải Oscar. Không bàn đến kịch bản phim hầu như ai cũng biết thì chúng ta không thể phủ nhận Titanic đã truyền tải một câu chuyện tình yêu dựa trên một sự kiện có thật mà tạo ra tiếng vang và sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới cũng như góp phần đưa bộ đôi diễn viên chính Leonardo DiCaprio và Kate Winslet trở thành những ngôi sao hàng đầu.
NO COUNTRY FOR OLD MEN – KHÔNG CHỐN DUNG THÂN (2007)
Khác với các bộ phim cao bồi miền viễn Tây Mỹ mà chúng ta thường xem, Không chốn dung thân là sự kết hợp giữa hình sự hành động và yếu tố kinh dị nghẹt thở. Câu chuyện phim bắt đầu từ lúc Llewelyn Moss (Brolin), một cựu chiến binh Việt Nam, quyết định lấy đi một số tiền lớn anh tình cờ có được khi nhặt chiếc vali bị bỏ rơi giữa đường và rơi vào cuộc săn đuổi không hồi kết của tay sát thủ máu lạnh Anton Chigurth (Bardem).
PLATOON – TRUNG ĐỘI (1986)
Đạo diễn Oliver Stone đã mang đến một trong những bộ phim chân thực nhất về chiến tranh Việt Nam khi lột tả một cách tàn bạo và thực sự gây sốc cho người xem những gì đã diễn ra vào thời điểm đó ở Việt Nam. Chính Platoon đã giúp Oliver trở thành một trong những đạo diễn hàng đầu và mang về doanh thu 138 triệu đô la Mỹ khi được trình chiếu ngoài rạp phim lúc đó.
THE THEORY OF EVERYTHING – THUYẾT VẠN VẬT (2014)
Dựa trên cuốn hồi ký Travelling to Infinity: My Life with Stephen của bà Jane Hawking – vợ đầu của Stephen Hawking, bộ phim kể về cuộc đời phi thường nhưng bất hạnh cũng như tình yêu dành cho bà của nhà vật lý, thiên văn học tài năng trên hành trình chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, để tiếp tục theo đuổi và cống hiến cho ngành khoa học vũ trụ.
Theo như đạo diễn James Marsh cho biết, ông đã phải mất gần một thập kỷ để chuẩn bị cho sự ra đời của The Theory Of Everything sau nhiều năm ấp ủ dự án này. Được đầu tư rất kĩ lưỡng nên ngay công đoạn “chọn mặt gửi vàng” cũng khiến ông cân nhắc, đắn đo rất nhiều. Cuối cùng vai diễn nặng kí này về tay của Eddie Redmayne. Để thử thách bản thân và chứng minh với công chúng lẫn giới phê bình mình là diễn viên trẻ tài năng và có thực lực, Eddie đã dành thời gian để trò chuyện, làm bạn, chia sẻ cùng với giáo sư Stephen để hiểu hơn về cuộc đời ông. Chính nhờ tài năng cũng như sự đầu tư chu đáo, cẩn thận, Eddie đã thuyết phục khán giả cũng như hội đồng nghệ thuật và rinh về cho mình tượng vàng Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
FORREST GUMP (1994)
Forrest Gump là một đứa trẻ bất hạnh khi sinh ra đã không có cha, hơn nữa lại bị thiểu năng. Forrest luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu trọc, bắt nạt. Người bạn duy nhất của Forrest là Jenny và sau này cũng là người Forrest đem lòng yêu suốt cả cuộc đời. Chính Jenny đã phát hiện ra khả năng đặc biệt của anh, đó là… chạy. Tốt nghiệp đại học, Forrest nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam. Nhờ khả năng chạy mà Forrest nhiều lần thoát khỏi cái chết trên chiến trường, không những vậy còn cứu được các đồng đội của mình. Sau khi rời chiến trường, nhờ khả năng chơi bóng bàn xuất sắc, anh trở nên nổi tiếng. Thế nhưng, những biến cố nối tiếp nhau xuất hiện đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Forrest.
Có thể nói Forrest Gump là bản giao hưởng của cuộc đời. Người xem trải qua rất nhiều cảm xúc khi xem phim từ cảm thông, bất ngờ, xúc động đến hy vọng rồi lại thất vọng. Cuộc đời của Forrest là mảnh ghép của rất nhiều người Mỹ trong thập niên 60- 70 của thế kỉ trước. Khán giả thực sự bị xúc động mạnh trước tình mẫu tử của mẹ con Forrest, trước niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mà bà truyền cho con trai. Chúng ta cũng không khỏi động lòng trước tình yêu giản dị và chân thành mà Forrest dành cho Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không phải là một người thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì”.
SPOTLIGHT – TIÊU ĐIỂM (2015)
Spotlight là bộ phim tiểu sử tội phạm của Mỹ do Tom McCarthy đạo diễn và được biên kịch bởi McCarthy và Josh Singer. Bộ phim phỏng theo vụ điều tra của nhóm “Spotlight” thuộc The Boston Globe, một tờ báo liên tục hoạt động điều tra lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, thuật lại cuộc điều tra các vụ lạm dụng tình dục trẻ em phổ biến rộng rãi và mang tính hệ thống trong khu vực Boston bởi nhiều linh mục Công giáo. Dựa trên một loạt các câu chuyện thực của nhóm “Spotlight”, bộ phim đã nhận được 6 đề cử giải Oscar và thắng giải Phim hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
MOONLIGHT – ÁNH TRĂNG (2016)
Moonlight là một trong những bộ phim Mỹ hay do Barry Jenkins đạo diễn, dựa trên kịch bản In Moonlight Black Boys Look Blue của Tarell Alvin McCraney. Với sự diễn xuất của Trevante Rhodes, André Holland, Janelle Monáe, Ashton Sanders, Naomie Harris và Mahershala Ali, Moonlight thể hiện 3 giai đoạn trong cuộc đời của nhân vật chính, khám phá những khó khăn mà nhân vật này phải đối mặt về bản dạng giới và bạo hành thể xác. Bộ phim đã thu về 27 triệu đô-la Mỹ trên toàn cầu và được giới chuyên môn hết lời khen ngợi. Moonlight nhận được 5 đề cử Oscar tại mùa giải thứ 89, chiến thắng hạng mục Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Ali) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Đây là bộ phim đầu tiên có toàn bộ dàn diễn viên là người da màu, cũng là phim LGBT đầu tiên và phim có doanh thu nội địa thấp thứ hai (sau The Hurt Locker) thắng giải Oscar. Nhà biên tập của phim, Joi McMillon, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giành đề cử Oscar cho biên tập và Ali là người Hồi giáo đầu tiên thắng giải Ocar dành cho diễn xuất.
THE SHAPE OF WATER – DÁNG HÌNH CỦA NƯỚC (2017)
The Shape of Water là một bộ phim tình cảm pha lẫn yếu tố kỳ ảo do Guillermo del Toro đạo diễn. Lấy bối cảnh tại Baltimore năm 1962, chuyện phim kể về Elisa Esposito (Sally Hawkins), một cô gái câm có cuộc sống nhàm chán và buồn tẻ tại căn gác mái đơn sơ trên một rạp chiếu phim cũ, hàng ngày làm công việc lau dọn ở một cơ sở nghiên cứu khoa học bí mật của chính phủ. Cuộc đời của Elisa chỉ thay đổi khi cô gỡ anh chàng Người cá (Doug Jones) bị bắt về từ Nam Mỹ xa xôi. Bộ phim nhận được tới 13 đề cử Oscar. Và mặc dù vấp phải nhiều tranh cãi, The Shape of Water vẫn thắng giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
CUỐN THEO CHIỀU GIÓ
Cuốn theo chiều gió (Gone With the Wind) (1939) là bộ phim Mỹ hay thuộc thể loại phim chính kịch – lãng mạn – sử thi, được phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell được xuất bản năm 1936. Bộ phim được quay ở miền Nam nước Mỹ trong thời gian xảy ra nội chiến. Các diễn viên chính bao gồm: Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard, Olivia de Havilland và Hattie McDaniel. Nội dung của phim xoay quanh cuộc nội chiến Mỹ và thời kì tái thiết nhìn từ quan điểm của một người Mỹ da trắng ở miền Nam.
Ra mắt năm 1939, Cuốn theo chiều gió vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền trong lòng khán giả khi dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Mỹ.
THE LORD OF THE RINGS
The Lord of the Rings: The Return of the King (Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua) là bộ phim điện ảnh của đạo diễn Peter Jackson. Đây là bộ phim kết thúc của bộ ba phim Chúa tể của những chiếc nhẫn trước đó là The Lord of the Rings: The Fellowship of the Ring (2001) và The Two Towers (2002). Phát hành vào ngày 17 tháng 12 năm 2003, The Lord of the Rings: The Return of the King đã nhận được lời khen ngợi và trở thành một trong những bộ phim Mỹ hay và thành công nhất mọi thời đại, cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật.