Những game nào được coi là thể thao điện tử ở Việt Nam?

Nhiều game đang phát hành ở trong nước và trên thế giới, nhưng không phải game nào cũng đủ tiêu chuẩn để trở thành eSports.

Thể thao điện tử đang trở thành một khái niệm dần có sức hút với giới trẻ. Những tuyển thủ thi đấu eSports chuyên nghiệp giờ đây cũng có người hâm mộ, được luyện tập và thi đấu trong môi trường đỉnh cao không kém gì nhiều môn thể thao truyền thống.

Tuy vậy, nếu xét trên nhiều khía cạnh từ quy mô tổ chức, các đội tuyển tham dự, truyền thông giải đấu, giấy phép phát hành, không phải game nào cũng được coi là eSports chính thống ở Việt Nam. Một vài cái tên sau đây sẽ cho độc giả cái nhìn rõ hơn về nền thể thao điện tử nước nhà.

Liên Minh Huyền Thoại

Có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, Liên Minh Huyền Thoại đã được nhà phát hành Garena (sau này là Vietnam Esports) đặt nền móng tương đối vững chắc ở buổi bình minh của eSports Việt.

Sau mùa Chung kết Thế giới thứ 2, hệ thống giải đấu Vietnam Championship Seres (VCS) cũng dần được hình thành với sự hiện diện của các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại trải đều hai miền Nam Bắc.

Tuy nhiên, bước ngoặt chỉ đến ở mùa giải 2016 khi VCS được công nhận là hệ thống giải đấu chính thức của Riot. Các nhà tài trợ bắt đầu tìm đến nhiều hơn, bù lại thể thức thi đấu và số đội tham dự được siết chặt với xu hướng chuyển dịch tuyển thủ về phía Nam.

BLV Hoàng Luân

Kể từ mùa 2018 khi Riot công nhận VCS là một khu vực độc lập tách biệt với GPL Đông Nam Á, Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam bắt đầu bước sang một trang mới. Lương thưởng của các tuyển thủ tăng lên chóng mặt, những bản hợp đồng bom tấn xuất hiện, những phi vụ lót tay tuyển thủ hay chuyển nhượng suất thi đấu lên tới cả tỷ đồng xảy ra thường xuyên hơn.

Mặc dù tổng tiền thưởng của giải đấu chỉ là 1,2 tỷ đồng, thế nhưng VCS có thể xem là bệ phóng thành công cho bất cứ ai muốn làm công việc eSports chuyên nghiệp trong một môi trường đầy tính cạnh tranh và khắc nghiệt.

Liên Quân Mobile

Sinh sau đẻ muộn, Liên Quân Mobile thu hút các tuyển thủ ‘lầm lỡ’ của Liên Minh Huyền Thoại bằng số tiền thưởng kỷ lục. Liên tục từ mùa đầu tiên của Đấu Trường Danh Vọng 2017 (ĐTDV) đến nay, tiền thưởng ở giải quốc nội đã tăng từ 265 triệu đồng lên con số 2,5 tỷ đồng, trở thành giải đấu eSports có giá trị giải thưởng cao nhất Việt Nam.

Team Flash

Ngoài giá trị tiền thưởng cao, ĐTDV cũng là nơi đưa tên tuổi Team Flash vươn tầm thế giới với những gương mặt quen thuộc như Trần Đức ‘ADC’ Chiến, Trần Xuân ‘XB’ Bách, Trần Quang ‘ProE’ Hiệp…

Với việc là một game di động có tuổi đời còn khá non trẻ, Liên Quân Mobile đã và đang còn thu hút được rất nhiều game thủ trẻ. Tuy vậy, kỳ vọng vào sự phát triển của bộ môn này phần nào đang bị giảm sút do sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.

Free Fire

Thêm một hệ thống giải đấu nữa thuộc quyền quản lý và tổ chức của Vietnam Esports, đó là Đấu Trường Sinh Tồn (ĐTST) của Free Fire. Điểm khác biệt rất lớn ở Free Fire là trò chơi này được phát triển bởi một studio con trực thuộc công ty mẹ của Vietnam Esports, do đó hệ thống giải đấu cũng được đầu tư hết sức bài bản ngay từ rất sớm.

Ở mùa giải ĐTST gần nhất, tổng giá trị giải thưởng của Free Fire đã lên tới con số 1,5 tỷ đồng, trong đó 500 triệu đồng thuộc về V Gaming, đội tuyển vừa bảo vệ thành công chức vô địch Mùa Hè 2020.

V Gaming, nhà vô địch ĐTST Mùa Hè 2020

Tính trên quy mô toàn cầu, các giải đấu của Free Fire cũng thu hút được một lượng người xem khổng lồ dù xuất phát điểm gần như chậm nhất trong số các môn eSports. Hồi cuối năm 2019, giải vô địch thế giới đầu tiên của Free Fire tổ chức ở Brazil thậm chí đã xác lập kỷ lục 1 triệu lượt xem trực tuyến.

Đây có thể xem là một môn eSports vô cùng hứa hẹn ở Việt Nam dù tương lai không xa sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt đến từ những sản phẩm cùng thể loại như PUBG Mobile hay Call of Duty: Mobile.

Ngoài những cái tên kể trên, một số sản phẩm khác đang được các nhà phát hành Việt Nam đầu tư số tiền thưởng khủng để thu hút các tuyển thủ tài năng. Nhưng bên cạnh giải thưởng, các yếu tố như công tác tổ chức, điều lệ giải đấu, số đội tham gia, mô hình của giải cũng quan trọng không hề kém cạnh. Chưa làm được những điều này một cách đồng bộ, nhiều game online vẫn chỉ dừng lại ở những giải đấu mang tính phong trào chứ chưa thực sự tiến lên eSports chuyên nghiệp.

Nguồn: ICTnews

 

Tin liên quan Thêm từ tác giả