Tim Cook đang làm những gì Steve Jobs ghét nhất
Tim Cook đang đi ngược triết lý kinh doanh, thiết kế của Steve Jobs, từ việc khai tử smartphone màn hình nhỏ đến hồi sinh bút cảm ứng, chia cổ tức Apple.
Ngày 5/10, Tim Cook đăng bài tưởng nhớ 9 năm ngày mất Steve Jobs – cựu CEO, đồng sáng lập Apple. Tuy nhiên, bài viết lại tạo nên một cuộc tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người cho rằng Cook đang phá vỡ di sản mà Jobs để lại.
Cách đây đúng 1/4 thế kỷ, khi Jobs bị ép phải rời Apple, ông đã nói: “Nếu bạn là người làm sản phẩm và tạo ra một thiết bị tốt hơn, nó không giúp công ty thành công thêm khi công ty đã chiếm thị phần độc quyền. Lúc này, những người có thể giúp công ty thành công là người làm sale và marketing. Họ sẽ lên lãnh đạo công ty. Những người làm sản phẩm sẽ bị loại khỏi khâu quyết định. Lâu dần, công ty sẽ quên mất việc tạo ra sản phẩm tuyệt vời là thế nào. Sự nhạy bén với sản phẩm, tư duy thiên tài về sản phẩm vốn giúp công ty vươn lên vị trí độc tôn sẽ dần bị những kẻ điều hành này loại bỏ. Những người đó không thể phân biệt sản phẩm tốt với sản phẩm xấu”.
9 năm sau ngày mất, nhận định của Jobs đã thành hiện thực. Tim Cook đang trở thành người mà Steve Jobs từng ghét nhất. Apple dưới thời Cook đã phát triển thành công ty giá trị nhất thế giới. Để đạt được những doanh số kỷ lục, Cook đã không ít lần “phản bội” niềm tin và tầm nhìn của Jobs.
iPhone ngày càng to
Trong thời của Jobs, smartphone màn hình 3,5 icnh là kích thước mẫu mực. Từ khi Jobs lấy trong túi ra chiếc iPhone đầu tiên tại hội nghị Apple năm 2007, màn hình cảm ứng trên smartphone đã bước sang một trang mới.
Hồi đó, Jobs đã rất tự hào về màn hình 3,5 inch do mình thiết kế. Ông tin rằng 3,5 inch là kích thước phù hợp nhất cho smartphone. Nó thân thiện với lòng bàn tay, giảm mệt mỏi cho người dùng và dễ sử dụng bằng một tay.
Khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt với màn hình 3,5 inch, mẫu Nokia thịnh hành nhất bấy giờ có kích thước 2,6 inch. Khi đó, Jobs khẳng định: “Không ai muốn một chiếc di động màn hình lớn”.
Khi các đối thủ bắt đầu sản xuất smartphone màn hình lớn, cựu CEO Apple cho rằng trải nghiệm người dùng trên màn hình to quá 3,5 inch sẽ giảm đi rất nhiều. Khi Samsung dẫn đầu kỷ nguyên màn hình lớn, Jobs vẫn không thay đổi quan điểm. Ngày 4/10/2011, hai ngày trước khi Jobs qua đời, chiếc iPhone 4S do ông dẫn dắt vẫn ra mắt với màn hình 3,5 inch.
Nhưng chưa đầy một năm sau đó, “khuôn vàng thước ngọc” mà Jobs theo đuổi đã bị phá bỏ. Năm 2012, Tim Cook bước lên sân khấu của Apple, tay giơ cao chiếc iPhone 5, màn hình 4 inch. Đây là bước đi đầu tiên của Apple với màn hình lớn, lần lượt những chiếc iPhone sau này ngày càng to. Mẫu iPhone 11 Pro Max lên đến 6,5 inch, lớn hơn rất nhiều so với giới giạn 3,5 inch Steve Jobs đề ra.
Mặc dù đi ngược lại triết lý thiết kế của Jobs, Tim Cook đã chứng minh mình không sai khi mẫu iPhone 6 – smartphone màn hình lớn đầu tiên của Apple – đã bán được 222,4 triệu chiếc và trở thành chiếc iPhone bán chạy nhất mọi thời đại.
iPad ngày càng nhỏ
Để lấp khoảng cách giữa iPhone và MacBook, Jobs đã cho ra đời iPad. Không phụ lòng người hâm mộ, máy tính bảng của Apple thật sự là “bom tấn” khi xuất hiện trên thị trường. Ngay sau ngày phát hành, ông khẳng định: “Đã là iPad, nó phải có màn hình lớn”.
“Lý thuyết giấy nhám” nổi tiếng cũng bắt nguồn từ tuyên bố này. Đồng sáng lập Apple cho rằng màn hình dưới 10 inch là hoàn toàn vô dụng. iPad sinh ra để bổ sung cho những thiếu hụt của laptop và smartphone. Nếu màn hình iPad nhỏ hơn 10 inch, nó sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về cảm ứng, như độ nhạy hay diện tích sử dụng không đủ.
Nhưng số phận của iPad cũng như iPhone. Tháng 10/2012, Tim Cook giới thiệu iPad mini, kích thước 7,9 inch, trọng lượng giảm 53%. Lập luận máy tính bảng dưới 10 inch là vô dụng của Jobs bị phủ nhận chỉ một năm sau khi ông tạ thế.
Sự xuất hiện của iPad mini góp phần không nhỏ cho doanh số của Apple, nó làm phong phú thêm dải sản phẩm và trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người.
Tim Cook vô tình hoặc cố ý chứng minh tầm nhìn của huyền thoại Steve Jobs là sai khi biến iPad Pro thành một chiếc laptop thực thụ, chứ không còn là sản phẩm trung gian để tách biệt giữa máy tính xách tay và điện thoại như Jobs nhận định.
Cây bút Steve Jobs ghét nhất đã trở lại
Nhiều người cho rằng việc iPhone càng lớn, iPad càng nhỏ là xu thế tất yếu của ngành công nghiệp di động, Tim Cook buộc phải theo kịp nhu cầu người dùng chứ không hẳn là “phá bỏ” di sản của Steve Jobs. Nhưng đến khi Apple Pencil ra mắt cùng iPad Pro, chẳng còn mấy ai biện minh cho Tim Cook.
Sinh thời, Steve Jobs ghét tất cả sản phẩm không thể trải nghiệm trực tiếp trên màn hình. Chính những trải nghiệm sống động từ ngón tay người lên màn hình điện thoại đã đưa tên tuổi của Apple lên tầm cao mới. Vì vậy, vào thời thịnh hành của bút cảm ứng, ông vẫn khăng khăng từ chối phụ kiện này với câu nói kinh điển: “Ai cần bút cảm ứng?”
Ông cũng từng nói: “Bút cảm ứng là một thiết bị kinh tởm. Không ai muốn có bút cảm ứng, tôi cũng không”.
Người dùng smartphone của Apple đã thoát khỏi sự lúng túng, khô khan của bút cảm ứng để tương tác với điện thoại bằng chính ngón tay mình. Màn hình cảm ứng đa điểm mà Steve Jobs sáng tạo được xem là nền móng của smartphone ngày nay.
Có lẽ ông không bao giờ ngờ, một ngày người kế nhiệm mình lại “hồi sinh” thứ mình từng gọi là “thiết bị kinh tởm”. Ngày giới thiệu Apple Pencil, Tim Cook không quên nói: “Nếu Steve Jobs có thể thấy những gì người dùng làm được với Apple Pencil, tôi nghĩ ông ấy phải đồng ý”.
Jobs từ bỏ bút cảm ứng vì nó chỉ cần thiết cho những thao tác đòi hỏi sự chính xác trên màn hình nhỏ. Trong khi đó, bút cảm ứng của Cook lại dành cho những thao tác tinh xảo trên màn hình lớn.
Thâu tóm, độc quyền và chia cổ tức
Giống bút stylus, Steve Jobs căm ghét cổ tức. Ông tin rằng việc trả lại tiền mặt cho các nhà đầu tư đồng nghĩa với việc công ty sẽ mất đi sự sáng tạo. Với việc mua bán cổ phiếu, ông cho rằng đó là hành vi “hối lộ nhà đầu tư” hơn là sử dụng nguồn vốn thật tốt.
Dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, từ năm 1995, Apple chưa bao giờ chia cổ tức chứ đừng nói đến việc mua lại cổ phiếu. Đỉnh điểm là vào năm 2010, một năm trước khi ông qua đời, tiền mặt của Apple đạt 25,6 tỷ USD. Trong một báo cáo về kinh doanh, cựu CEO kiên quyết không chia bất kỳ khoản cổ tức nào hay mua lại cổ phiếu. Ông nói sẽ dùng tiền mặt cho các thương vụ thâu tóm chiến lược.
Nhưng Tim Cook ngược lại, thông qua việc mua lại cổ phiếu liên tục. Tháng 8 vừa rồi, Apple trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc giá trị 2.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Tim Cook cũng đưa Apple thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Năm 2019, Tim Cook đã chi 67,1 tỷ USD cho việc mua lại cổ phiếu và trả 14,1 tỷ USD cổ tức. Năm 2012, sau khi nhậm chức, ông đã đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu mới của Apple, trong đó có việc trả cổ tức cho các cổ đông theo quý.
Apple dưới thời Tim Cook cũng gặp phải không ít chống đối từ các nhà phát triển ứng dụng cho đến cơ quan hành pháp về những hành vi thâu tóm, độc quyền và thuế 30%.
Xuyên suốt 9 năm tiếp quản công ty, Tim Cook đã phá bỏ hầu hết những di sản để đời của Steve Jobs. Apple từ một công ty công nghệ sáng tạo dần trở thành một công ty tiêu dùng. Giá trị cốt lõi của công ty không còn là sản phẩm mà dần dịch chuyển sang mảng dịch vụ.
Tuy nhiên, đó không phải lỗi. Những người yêu quý Steve Jobs có thể ghét Tim Cook, nhưng Apple đã có những thay đổi nhanh chóng để tồn tại và vươn lên “ngôi vương”. Lãnh đạo một công ty trên đỉnh cao danh vọng là áp lực không nhỏ, trong suốt 9 năm qua, Tim Cook không chỉ nỗ lực bước ra khỏi cái bóng của huyền thoại Steve Jobs mà còn khiến Apple trở thành công ty giá trị bậc nhất lịch sử. Ông có thể nằm trong nhóm người Jobs căm ghét nhất, nhưng có lẽ không ai ngoài ông phù hợp hơn để gánh vác trọng trách Steve Jobs giao phó.