Việt Nam đang nằm ở đâu trong bức tranh tổng thể về vắc-xin COVID-19 trên thế giới?

Economist Intelligence Unit dự đoán Việt Nam sẽ cơ bản đạt được miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022, sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 cho 60-70% dân số trưởng thành.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đã có hơn 109 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2,4 triệu người tử vong do căn bệnh suy hô hấp mà nó gây ra – được gọi là COVID-19.

May mắn thay, chúng ta đã có được 8 loại vắc-xin đang được phân phối tới nhiều quốc gia trên thế giới để chống lại đại dịch. Cùng với đó là hơn 300 vắc-xin COVID-19 khác đang được nghiên cứu và 66 vắc-xin trong số này tiến đến thử nghiệm lâm sàng.

Ảnh: GenK

Để có một bức tranh toàn cảnh, một bản đồ vắc-xin COVID-19 trên toàn thế giới, hãy cùng điểm qua 5 biểu đồ thống kê dưới đây:

Bảng thống kê này trình bày 6 nền tảng công nghệ chính giúp các nhà khoa học phát triển vắc-xin chống lại virus corona SARS-CoV-2 đang gây ra đại dịch COVID-19. Hầu hết các nền tảng vắc-xin này tập trung vào protein gai của virus, thứ giúp chúng xâm nhập vào tế bào niêm mạc đường hô hấp và tế bào phổi.

Sử dụng bất kỳ nền tảng vắc-xin nào, từ công nghệ axit nucleic (RNA và DNA), vectơ virus không sao chép (Viral vector), peptit, protein tái tổ hợp (virus-like partical, protein sub-unit), virus sống giảm độc lực và virus bất hoạt (inactivated virus), thì mục tiêu cuối cùng của các mũi tiêm vẫn là dạy cho hệ miễn dịch của cơ thể người nhận ra virus SARS-CoV-2 và tiêu diệt chúng.

Việt Nam hiện cũng có 3 loại vắc-xin COVID-19 dựa trên công nghệ vectơ virus không sao chép được nghiên cứu bởi IVAC, VABIOTECH và NANOGEN. Trong đó, vắc-xin Nano Covax của NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và chuẩn bị tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II và III.

Các loại vắc-xin “made in Vietnam” này đã đưa chúng ta vào nhóm 40 quốc gia trên thế giới tự phát triển và thử nghiệm được vắc-xin COVID-19.

W8td8mzr o
Ảnh: GenK

Hiện có 8 loại vắc xin COVID-19 khác nhau đang được sử dụng trên khắp thế giới và 172 triệu người đã được tiêm chủng. Điều đó có nghĩa là cứ 100 người thì có trung bình 2,2 người trên thế giới đã nhận được mũi tiêm phòng COVID-19 đầu tiên.

Vắc-xin dựa trên công nghẹ mRNA của Pfizer và BioNTech đang được sử dụng ở 61 quốc gia trên thế giới bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu và Ả Rập Xê Út. Dựa trên công nghệ mRNA có nghĩa là vắc-xin này cần được bảo quản trong tủ đông ở -70 độ C.

Điều đó khiến nhiều quốc gia thu nhập thấp, không có hệ thống kho lạnh sẽ không thể tiếp cận loại vắc-xin này. Họ thường sẽ dùng vắc-xin của AstraZeneca, với điều kiện bảo quản thông thường từ 2-8 độ C. Vắc-xin của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford đang được phân phối tới 41 quốc gia.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã nói rằng loại vắc-xin này an toàn cho tất cả người trưởng thành, một số quốc gia bao gồm Đức và Ba Lan đang giới hạn vắc-xin của AstraZeneca, chỉ tiêm cho những người dưới 65 tuổi.

Opdfkvkq o
Ảnh: GenK

Ở một số nước có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, vắc-xin Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc phát triển đã được sử dụng. Điều tương tự diễn ra với vắc-xin Sputnik V của Nga, hiện đang được một số quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ bao gồm Hungary tin tưởng sử dụng.

Thống kê này được Trung tâm Phát triển Sức khỏe Toàn cầu Duke (DGHIC) thực hiện dựa trên số liệu công bố của các quốc gia, trong đó, tuyên bố lượng vắc-xin COVID-19 mà họ đã đặt hàng. Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu, với 2,6 tỷ liều, do sở hữu nhiều vắc-xin nội địa nhất.

Kế đó là nhóm các quốc gia Liên Minh Châu Âu (EU) với đơn đặt hàng lên tới 2 tỷ liều. Ấn Độ, quốc gia hơn 1 tỷ dân cũng có nhà máy sản xuất vắc-xin trong nước và đang đặt sẵn 1,6 tỷ liều vắc-xin COVID-19.

Theo DGHIC, Việt Nam hiện đang đàm phán với nhiều đối tác để có được 150 triệu liều vắc-xin COVID-19. Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết Việt Nam có thể nhận được trước 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong năm nay.

Bên cạnh đó, sáng kiến phân phối vắc-xin COVID-19 toàn cầu COVAX cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khoảng 4,8 – 8,2 triệu liều vắc-xin COVID-19 miễn phí.

Rv26ohfe o
Ảnh: GenK

Do tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhanh chóng, cùng với cơ sở hạ tầng tốt để phân phối và quản lý vắc-xin, một số quốc gia đang dẫn dầu trong cuộc đua tiêm chủng COVID-19.

Trang web “Our World in Data” đã liên tục theo dõi số liệu thống kê và thấy Israel đang là nước dẫn đầu thế giới trong tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 trên dân số. Họ đã vượt qua ngưỡng 60-70% dân số chủng ngừa để cơ bản đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tính đến ngày 15 tháng 2, Israel đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho khoảng 6,3 triệu người, tương đương 72,58% dân số. Đó là tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất cho đến nay, cao hơn đáng kể so với 50,61% tại UAE và 22,23% tại Vương quốc Anh.

Kvqjohxd o

Một báo cáo của Economist Intelligence Unit cho thấy chặng đường từ nay tới khi toàn thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 còn khá dài.

Mặc dù Mỹ, Israel, các quốc gia vùng vịnh và các nước Châu Âu đặt mục tiêu có thể tiêm chủng cho 60-70% dân số trưởng thành ngay trong nửa sau năm 2021, nhưng đa số các quốc gia còn lại trên toàn thế giới sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Các nước Châu Mỹ và Mỹ Latinh nhìn chung có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vào giữa năm 2022. Nhưng ở Châu Á, dự đoán có vẻ ảm đạm. Ngay cả các nền kinh tế giàu có như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải mất hơn một năm kể từ giờ để tiêm chủng được cho 60-70% dân số trưởng thành.

Việt Nam được dự đoán cũng sẽ cán đích vào khoảng thời gian này, nghĩa là khoảng giữa năm 2022. Trong khi Đài Loan sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng sớm hơn vào nửa sau năm 2021.

Với đa số các quốc gia phi công nghiệp trên thế giới gồm gần như toàn bộ Châu Phi, thời gian biểu tiêm chủng của họ bắt buộc phải kéo dài đến năm 2023.

Theo: Pháp luật và bạn đọc

Tin liên quan Thêm từ tác giả