Facebook thừa nhận đọc tin nhắn của người dùng Messenger
Bạn đã nhầm nếu nghĩ rằng tin nhắn gửi qua Facebook Messenger là an toàn và riêng tư.
Facebook vừa xác nhận hãng sử dụng công cụ tự động để quét tin nhắn trong Facebook Messenger nhằm tìm kiếm đường link dính mã độc và ảnh khiêu dâm trẻ em.
Hãng này cũng cho phép người dùng báo cáo đoạn chat vi phạm chuẩn mực cộng đồng. Bộ phận chuyên trách có thể xem bất cứ tin nhắn nào bị người dùng hoặc công cụ tự động gán nhãn vi phạm.
Facebook từng cho biết nhân viên kiểm soát của hãng có thể xem bất cứ đoạn post nào để chắc rằng chúng không vi phạm nội quy. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ việc này chỉ áp dụng với post trên trang cá nhân, còn tin nhắn trong Facebook Messenger vẫn an toàn và riêng tư. Họ đã lầm.
Tin nhắn trong Facebook Messenger không an toàn như nhiều người nghĩ. |
Trong tuyên bố đưa ra hôm 5/4, Facebook khẳng định riêng tư tin nhắn là ưu tiên hàng đầu của hãng, nhưng cho rằng sử dụng công cụ tự động là cần thiết bởi nhiều công ty Internet hiện nay cũng làm như vậy.
“Nội dung tin nhắn không được sử dụng cho mục đích quảng cáo. Chúng tôi không nghe lén cuộc gọi và video call của người dùng”, phát ngôn viên Facebook lên tiếng trấn an.
Gần đây Facebook đã bị chỉ trích nặng nề vì để công ty Cambridge Analytica thu thập trái phép dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng mạng xã hội.
Facebook vẫn chưa thoát khỏi bê bối “Cambridge Analytica”. |
Bê bối này đặt ra nhiều câu hỏi về tính riêng tư trên mạng xã hội, đồng thời dẫn tới kêu gọi cần có quy định nghiêm khắc hơn. Facebook cũng được kêu gọi cần minh bạch hơn về cách xử lý dữ liệu người dùng.
Sở dĩ Facebook Messenger là chủ đề gây tranh cãi khi trong tuần này, Mark Zuckerberg lỡ miệng cho biết công ty đã “phát hiện” các tin nhắn nhạy cảm gửi qua Messenger tại Myanmar.
Trong năm qua, các nhóm nhân quyền và báo chí từng quy kết Facebook bị lợi dụng phát tán thông tin sai trái tại Myanmar.
“Hệ thống của chúng tôi đã phát hiện ra các tin nhắn có vấn đề. Chúng tôi đã chặn các tin nhắn đó”, Zuckerberg nói trong cuộc phỏng vấn với Vox tuần trước.
Có lẽ nhận thấy thông tin từ Zuckerberg gây hiểu nhầm, Facebook vừa đính chính lại. “Với trường hợp này, một số người dùng báo cáo họ đã nhận được tin nhắn có vấn đề, từ đó chúng tôi mới bắt tay vào điều tra”, phát ngôn viên Facebook giải thích.
CEO Facebook phải lên tiếng xin lỗi sau bê bối bán đứng người dùng. Hình ảnh Facebook và Zuckerberg bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: CNN. |
Từ sau bê bối Cambridge Analytica, Facebook đã thay đổi một số chính sách liên quan tới dữ liệu người dùng. Zuckerberg nói với các nhà báo hôm 3/4 rằng Facebook đã có thể làm tốt hơn nếu giải thích rõ cách thức xử lý dữ liệu người dùng.
“Đã có nhiều hiểu lầm về những gì chúng tôi đã làm”, Zuckerberg trần tình.
Theo kế hoạch, Zuckerberg sẽ ra điều trần trước quốc hội Mỹ trong tuần tới. CEO của Facebook cũng sẽ phải giải thích về cách thức xử lý dữ liệu người dùng.
Theo Zing