Apple, Google, Microsoft đang chui vô chiếc xe ô tô của bạn như thế nào
Xe từng có thời bị “ngắt kết nối” với thế giới, nhưng điều đó đang thay đổi rất nhanh. Ngành xe ô tô đang trải qua một giai đoạn cách mạng với sự tham gia của các ông lớn công nghệ như Apple, Google, Amazon, Microsoft. Họ kết hợp với các hãng làm xe để đưa công nghệ hiện đại vào, đặc biệt là những thứ liên quan tới Internet và trí tuệ nhân tạo, và họ đang làm điều đó rất tốt.
Gần như mọi hãng xe hơi đều từng gặp vấn đề khi muốn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng thông qua hệ thống điều khiển, hay hệ thống giải trí trên xe. Cách mà bạn tương tác với xe không tốt như cách bạn tương tác với điện thoại, máy tính. Từ đầu những năm 2000, BMW đã ra mắt hệ thống điều khiển iDrive, và ngay lập tức gặp vấn đề về việc giao diện khó sử dụng, người dùng khó tương tác. Không chỉ BMW mà các hãng khác cũng gặp vấn đề này, phần mềm mà bạn tương tác trên xe không thay đổi nhanh như phần mềm trên điện thoại, trong khi điện thoại là cái người ta dùng mỗi ngày và nó liên tục được cải tiến.
Và thế rồi Google, Apple nhảy vào thị trường này. Cả hai đều có những giải pháp dành cho xe để chỉ đường, để nhắn tin, nghe nhạc. Về cơ bản là bạn sẽ kết nối điện thoại của mình vào hệ thống giải trí của xe, sau đó giao diện đặc biệt sẽ xuất hiện với các app để bạn sử dụng trong lúc lái xe. Apple CarPlay và Android Auto đều cho phép bạn chỉ đường bằng Apple / Google Maps, chơi nhạc với Spotify, NhacCuaTui, ZingMP3, nghe podcast, xem tin nhắn, thực hiện cuộc gọi với người trong danh bạ…
Cả hai đều “xuất” một giao diện thân thiện với người lái xe lên màn hình của xe cho bạn tương tác, và rõ ràng những gì Apple, Google thiết kế trên giao diện để người dùng tương tác thì tốt hơn, dễ tiếp cận hơn rất nhiều so với những gì các hãng xe tự làm. Ngày nay gần như mọi hãng xe đều hỗ trợ Apple CarPlay và Android Auto, một số mẫu xe hỗ trợ cả hai thứ, thậm chí là phiên bản không dây của Apple CarPlay và Android Auto nữa.
Đây là thứ người dùng cần, vì bạn chỉ đơn giản là bước vô xe, mọi thứ bạn cần sẽ hiện ra trước mặt. Apple, Google đã giải quyết phần khó cho các hãng xe, họ không phải đầu tư hàng triệu đô la chỉ để tạo ra một hệ thống giải trí trong xe. Thay vào đó, họ sẽ tập trung và thế mạnh của mình, đó là làm ra chiếc xe.
Nhưng không phải ai cũng muốn các hệ thống giải trí giống nhau. CNBC nói rằng đã có các nghiên cứu chỉ ra người dùng sẽ đổi sang dùng thương hiệu xe khác để có được trải nghiệm kết nối tốt hơn, nhưng nếu chỉ có Android Auto hay Apple CarPlay thì không đủ. Một số hãng xe cao cấp như BMW hay Mercedes đã đi trước một bước, họ tự làm hệ thống giải trí của mình trong khi vẫn hỗ trợ Apple CarPlay, Android Auto đầy đủ. Ví dụ, xe Mercedes có một trợ lý ảo, bạn có thể nhờ nó tăng giảm nhiệt độ máy lạnh. Điện thoại của bạn chỉ có thể chỉ đường, chơi nhạc thôi, còn lãnh địa của xe thì không động vào được, và đây là đất diễn cho công nghệ của riêng từng hãng xe.
Riêng với BMW, họ hợp tác với Microsoft để phát triển trợ lý ảo cũng như tích hợp các tính năng AI. Nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, đưa ra các gợi ý dựa theo thói quen của người dùng… là những thứ mà Microsoft làm tốt, vậy nên hai bên hợp tác với nhau cũng vô cùng hợp lý. Còn việc xây dựng thành giải pháp tích hợp trong xe, Microsoft tin rằng điều đó nên giao cho các hãng xe vì họ biết khách hàng của mình cần gì, muốn gì. Microsoft cũng có bắt tay cùng Volkswagen và Daimler AG cho những thứ về cloud, sáng tạo và big data.
Ví dụ với trường hợp của Daimler (công ty mẹ sở hữu nhiều thương hiệu trong đó có Mercedes Benz), Microsoft cho biết Daimler thu thập dữ liệu về cách vận hành của xe nên họ có thể dự đoán đâu là vấn đề có thể xảy ra, từ đó tăng tốc quy trình sửa chữa cho người chủ xe, cũng như làm ra những chiếc xe tốt hơn dựa trên dữ liệu của hàng triệu chiếc xe lăn bánh. Để vận hành các nền tảng cloud và big data này, Microsoft là cái tên rất phù hợp.
Riêng với Google, họ thậm chí còn có một giải pháp mạnh mẽ hơn, đó là Android Automotive. Android Automotive đóng vai trò là hệ thống giải trí cho xe luôn, và bản chất của nó là Android, có thể chạy mà không cần kết nối vào điện thoại như Android Auto. Google có hẳn một phòng lab chuyên dùng để thử nghiệm độ phân tâm của người lái xe. Người lái được trang bị kính theo dõi mắt, có các camera gắn xung quanh để giám sát cử chỉ, gương mặt, để biết người thử nghiệm đang nhìn vào đâu, nhìn trong bao lâu…
Android Automotive cố gắng dự đoán những gì bạn cần và hiển thị sẵn hoặc dùng giọng nói đọc lên, hạn chế số lần bạn phải nhìn trực tiếp vào màn hình. Bạn sẽ không muốn nhấn vô một đống menu khi đang lái xe, đúng không nào? Và Android Automotive có thể dùng các app như trên điện thoại của bạn, nếu cần thì lập trình viên có thể điều chỉnh giao diện dành cho xe một cách nhanh chóng.
Amazon cũng đang làm việc với nhiều hãng xe để tích hợp Alexa, trợ lý ảo của họ như Ford, BMW, Toyota. Genesis, nhánh xe cao cấp của Hyundai, tích hợp Alexa sâu tới mức bạn có thể nhờ Alexa nổ máy sẵn trước khi bạn biết ra tới xe, tất cả chỉ bằng ra lệnh giọng nói. Amazon cũng có chức năng giao hàng thẳng vào xe của người dùng thay vì giao hàng vô nhà, áp dụng với các hãng Ford, GM, VW… Với các xe cũ, Amazon cũng có bán Echo Auto, một thiết bị mang các dịch vụ kết nối của Amazon vào những chiếc xe cũ.
Dần dần, chiếc xe không chỉ đơn giản là chiếc xe. Nó trở thành văn phòng di động, một phòng khách di động. Việc phối hợp giữa các hãng xe với các hãng công nghệ lớn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này, và cuối cùng thì chúng ta, người lái xe, sẽ là những người hưởng lợi.
Nguồn: CNBC