CEO Google thừa nhận YouTube thất bại trong việc lọc nội dung độc hại
Trong bài phỏng vấn mới đây, CEO Google thừa nhận những nỗ lực của công ty để kiểm soát nội dung độc hại trên YouTube chưa đạt được tác dụng như mong đợi. CEO của Google cho rằng công ty xếp hạng nội dung trên YouTube dựa trên chất lượng, giống như cách họ xếp hạng các thông tin trên Google. Đây có thể là kẽ hở của nền tảng này.
“Sự cởi mở của nền tảng YouTube đã thúc đẩy sáng tạo và thông tin phát triển mạnh mẽ”, nhóm YouTube cho biết trong một bài trên blog của mình. “Trách nhiệm của chúng tôi là bảo vệ, ngăn nền tảng của mình bị lợi dụng để kích động thù hận, quấy rối, phân biệt đối xử hay bao lực. Chúng tôi cam kết thực hiện các bước cần thiết để tăng cường trách nhiệm, ngày mai và trong tương lai”.Sundar Pichai nói rằng YouTube đang cải thiện nhưng thừa nhận dịch vụ chia sẻ video của mình không đảm bảo chất lượng tổng thể như người dùng mong đợi so với các dịch vụ khác, chẳng hạn Google Search. YouTube đang là vấn đề khó khăn nhất mà Google phải đối mặt khi nền tảng này đầy video kích động bạo lực, thù hận, ấu dâm hay truyền bá thông tin sai lệch.
Đầu tháng này, YouTube vấp phải chỉ trích khi không xử lý video lăng mạ và phân biệt. Cụ thể là Steven Crowder đã xúc phạm một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng với các video bảo thủ, nhắm vào nhà báo Carlos Maza của Vox. YouTube cho rằng video này “gây tổn thương” nhưng “không vi phạm chính sách” của công ty. Tuy nhiên trước các áp lực từ cộng đồng, Google đình chỉ Crowder khỏi chương trình đối tác quảng cáo.
Các video có nội dung xấu độc trên YouTube cũng xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Google đã tích cực hợp tác và gỡ bỏ gần 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu, tỷ lệ đáp ứng của Google trong 6 tháng đầu năm lên đến 95% nhưng vẫn còn tới 55.000 video độc hại trên YouTube.
Những bất cập được chỉ ra là bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, còn kẽ hở để người dùng đăng nội dung vi phạm núp dưới các tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Cơ chế hậu kiểm khiến việc chia sẻ clip vi phạm dễ dàng, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ tốn nhiều thời gian. Dịch vụ này cũng không có biện pháp ngăn các tài khoản khác đăng lại clip xấu vốn đã bị xóa theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Quan trọng hơn, tính năng gợi ý (suggestion) khiến nội dung độc hại vốn chiếm tỷ lệ nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị lan truyền mạnh mẽ
Tuần trước, YouTube đã điều chỉnh 3 chính sách nhằm hạn chế các video thuộc dạng “nhạy cảm”. Đây thường là những video hướng vào một nhóm đối tượng cụ thể, có thể là những người thuộc nhóm LGBTQ hoặc các chủng tộc, tôn giáo bị phân biệt đối xử.
“Đấy là một vấn đề khó về khoa học máy tính. Đó cũng là một vấn đề xã hội bởi chúng ta cần định nghĩa rõ ràng thế nào là phát ngôn gây hấn, và làm thế nào để công ty chúng tôi đưa ra những quyết định có ảnh hưởng rộng rãi, một cách đúng đắn mà không mắc sai lầm”, CEO Google chia sẻ.