Dương tính SARS-CoV-2, Elon Musk vẫn lên Twitter ‘thách thức’ dịch bệnh

Từng nhiều lần thể hiện thái độ xem nhẹ dịch bệnh và khẳng định sẽ không tiêm vắc xin phòng Covid-19, mới đây, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân vào cuối tuần trước, tỷ phú công nghệ Elon Musk cho biết cơ thể đã gặp phải các triệu chứng giống như bị cảm lạnh nên đã tiến hành xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Để chắc chắn, Elon Musk đã xét nghiệm nhanh đến 4 lần trong một ngày, nhưng lại cho ra kết quả khác nhau, trong đó có 2 lần cho kết quả dương tính và 2 lần cho kết quả âm tính.

Để có kết quả chắc chắn xem liệu có bị mắc Covid-19 hay không, Elon Musk đã thực hiện xét nghiệm PCR, nhưng hiện kết quả vẫn chưa được tiết lộ.

“Một điều gì đó hết sức giả mạo đang diễn ra. Đã xét nghiệm Covid 4 lần trong ngày. Hai xét nghiệm cho kết quả âm tính, hai xét nghiệm cho kết quả dương tính. Cùng một máy, cùng một xét nghiệm và cùng một y tá”, Elon Musk chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.

Nhiều lần công khai xem nhẹ dịch bệnh, Elon Musk đã có xét nghiệm dương tính với Covid-19

Qua sự việc này, dường như Elon Musk càng có thêm lý do để nghi ngờ mức độ nghiêm trọng của Covid-19, khi tỷ phú công nghệ này đã từng nhiều lần xem nhẹ dịch bệnh và cho rằng Covid-19 đang bị thổi phồng quá mức vì những trường hợp xét nghiệm dương tính giả.

Elon Musk đã từng không ít lần công khai thể hiện sự coi thường đối với mức độ của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Hồi tháng 3 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh chóng, Elon Musk đã gây ra nhiều tranh cãi khi đăng tải lên trang Twitter của mình thông điệp xem nhẹ đại dịch và cho rằng Covid-19 thậm chí còn không nghiêm trọng bằng tai nạn giao thông.

Elon Musk sau đó tiếp tục đăng tải lên trang Twitter của mình một thông điệp khác với nội dung: “Hoảng loạn vì Covid-19 là một điều ngu ngốc”.

Đoạn Twitter của Elon Musk đã nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng khi nhiều người cho rằng vị tỷ phú công nghệ này đã quá xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của virus Covid-19 và thái độ chủ quan này có thể khiến nhiều người phải trả giá, bao gồm các nhân viên đang làm việc cho Elon Musk. Elon Musk cũng là người ủng hộ việc mở cửa nền kinh tế và duy trì các hoạt động sản xuất bình thường, bất chấp sự lây lan của dịch bệnh.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, trong bài trả lời phỏng vấn với tờ báo New York Times, tỷ phú công nghệ Elon Musk cho biết ông không lo lắng về khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời khẳng định bản thân mình và gia đình sẽ không tiêm vắc-xin phòng Covid-19, một khi loại vắc-xin này được nghiên cứu xong và áp dụng vào thực tế.

Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng bình luận của Elon Musk là bất cẩn và nguy hiểm khi xem thường loại virus nguy hiểm đang lây lan trên toàn cầu. Các quan chức y tế tại Mỹ ước tính rằng trong trường hợp xấu nhất sẽ có từ 160 đến 214 triệu người Mỹ bị nhiễm Covid-19 và có thể khiến 1,7 triệu người tử vong nếu không có các biện pháp phòng ngừa đầy đủ trong những tuần tiếp theo.

Hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi virus SARS-CoV-2, khi có hơn 11 triệu ca nhiễm, khiến hơn 245 ngàn người tử vong. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu đã có hơn 54,2 triệu người nhiễm, khiến hơn 1,31 triệu người tử vong.

Các xét nghiệm kháng nguyên bằng cách phát hiện một protein nhỏ trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 có thể cho kết quả không chính xác, trong khi đó xét nghiệm PCR để xác định sự tồn tại của virus sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Các xét nghiệm kháng nguyên có thể được tiến hành một cách nhanh chóng vì chúng không yêu cầu phòng thí nghiệm và thường được thực hiện một cách nhanh chóng tại các điểm nóng hoặc các ổ dịch để xác định những trường hợp có nguy cơ nhiễm virus để xác định lại bằng phương pháp PCR.

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) từng cảnh báo rằng xét nghiệm kháng nguyên có độ chính xác cao, nhưng cũng có khả năng dương tính giả. Đó là lý do tại sao xét nghiệm PCR được chỉ định để xét nghiệm lại các trường hợp dương tính bằng phương pháp xét nghiệm nhanh trước đó.

Nguồn : ICT News

 

Tin liên quan Thêm từ tác giả