Fan Captain Marvel sẽ kêu gào vì phim thay đổi quá nhiều so với nguyên tác
Với “Captain Marvel”, Marvel dường như vẫn giữ phong cách làm phim thay đổi gần như toàn bộ so với nguyên tác để dễ tiếp cận khán giả đại chúng.
Giống với Avengers: Age of Ultron (2015), Captain America: Civil War (2016) hay Thor: Ragnarok (2017), Captain Marvel ( Đại Úy Marvel ) chẳng có quá nhiều tình tiết giống với nguyên tác truyện tranh mà fan từng độc. Dù cách làm này giúp MCU ( Vũ trụ Điện ảnh Marvel ) dễ tiếp cận khán giả đại chúng hơn thì một bộ phận người hâm mộ khó tính từng đọc qua truyện tranh vẫn cảm thấy khó chịu.
1. Nick Fury bị mù ra sao?
Trong phim, Nick Fury (Samuel L. Jackson) bị mù bởi cú cào của mèo Goose – vốn là một sinh vật ngoài hành tinh tên Flerken. Đây có thể là chi tiết gây cười cho khán giả nhưng khiến vị Giám đốc S.H.I.E.L.D này trở nên tầm thường so với nguyên tác. Trong truyện tranh, Nick Fury nguyên bản da trắng bị mù bởi một mảnh đạn trong Thế chiến II.
Gần đây, Nick Fury Jr. – phiên bản dựa theo nhân vật của Samuel L. Jackson trong MCU – bị mất một bên mắt khi đụng độ nhóm sát thủ được giao nhiệm vụ tìm ra Công thức Vô cực (Infinity Formula) trong dòng máu của ông. Cuối cùng, vết thương của phiên bản Nick Fury thuộc vũ trụ Ultimate là do một cuộc tấn công vào đoàn xe hộ tống Wolverine .
2. Skrull hóa ra lại là người tốt
Đối với fan truyện tranh, Skrull là những kẻ xấu toàn diện. Trong khi Kree là người châm ngòi cuộc chiến thì Skrull cũng nhanh chóng biến thành những chiến binh man rợ. Chủng tộc này luôn muốn tiêu diệt mọi kẻ thù và xâm chiếm các hành tinh mới để mở rộng lãnh thổ. Chính chúng đã gây ra sự kiện Secret Invasion nổi tiếng khiến các siêu anh hùng Marvel chẳng còn dám tin tưởng lẫn nhau.
Tuy nhiên, Captain Marvel đã “đổi trắng thay đen” tất cả khi biến Skrull thành chủng tộc yêu hòa bình, thích màu tím. Là nạn nhân chiến tranh của Kree, Talos ( Ben Mendelsohn ) chỉ muốn tìm một hành tinh yên bình để làm mái nhà mới mà thôi. Cuộc chiến giữa 2 chủng tộc này cũng có nhiều thay đổi khi Kree và Skrull trong nguyên tác luôn ở thế “ngang kèo” chứ không chênh lệch như phim.
3. Sức mạnh của Carol đến từ đâu?
Nguồn gốc sức mạnh của Carol Danvers trong truyện tranh có liên quan mật thiết tới Mar-Vell khi cả hai cùng kẹt vào một vụ nổ máy từ tường của người Kree. Lúc này, ADN của Mar-Vell hòa lẫn vào người Carol giúp cô sở hữu siêu năng lực giống hệt bạn trai. Trong đầu truyện Life Of Captain Marvel do Margaret Stohl và Carlos Pacheco thực hiện gần đây, mẹ của cô hóa ra lại là người Kree và vụ nổ kia chỉ kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn.
Sức mạnh Binary lại đến từ một lần Carol bị chủng tộc ngoài hành tinh Brood bắt giữa làm vật thí nghiệm. Lúc này, cô nàng đạt trạng thái mạnh nhất khi hút sức mạnh từ lỗ trắng và có thể phá hủy cả một ngôi sao.
Còn trong phim thì sao? Sức mạnh của Carol ( Brie Larson ) đơn giản đến từ việc hấp thụ lõi động cơ tốc độ ánh sáng của Lawson (Annette Bening) khi phá nổ. Nói cách khác, cô nàng chỉ là một khối Tesseract thu nhỏ và di động không hơn không kém
Cho những ai không biết thì Carol Danvers không phải người đầu tiên mang danh hiệu Captain Marvel. Cái tên này thuộc về một nam chiến binh người Kree trên Mar-Vell. Anh chàng được phái xuống trái đất trong nhân dạng Tiến sĩ Walter Lawson nhưng cuối cùng lại chọn đứng về loài người, từ bỏ thân phận Kree. Sau nhiều năm làm Captain Marvel, Mar-Vell chết vì ung thư và để lại danh hiệu cho Carol.
Thật nực cười khi trong bộ phim tưởng nhớ Stan Lee, Marvel lại khai tử nhân vật do chính ông tạo nên. Thay vào đó, Mar-Vell trở thành phiên bản nữ là tiến sĩ Wendy Lawson do Annette Bening thủ vai. Nhân vật này chẳng hề có siêu năng lực cũng không có gì liên quan đến cái tên Captain Marvel trừ việc Nick Fury đọc trại ra từ Mar-Vell.
5. Bản chất thật sự của nhóm Starforce
Phiên bản truyện và điện ảnh của nhóm Starforce có điểm chung là một nhóm chiến binh cao cấp người Kree. Tuy nhiên, chúng lại hoàn toàn khác xa nhau về bản chất. Đầu tiên, Captain Marvel và Yon-Rogg không hề là thành viên của nhóm trong nguyên tác. Tiếp theo, các thành viên Starforce mặc trang phục khác nhau hoàn toàn, đơn cử như Minerva giống hệt Carol Danvers thời còn là Ms. Marvel hay Atlas có tạo hình tương tự Mar-Vell lần đầu xuất hiện.
Cuối cùng và quan trọng nhất, Starforce trong truyện tranh chỉ là những tên tội phạm và ác nhân có âm mưu đen tối chứ không phải các biệt kích chiến đấu cho vinh quang của người Kree. Đơn cử như lần xuất hiện quan trọng nhất của nhóm này là trong trận chiến với Avengers khi các siêu anh hùng trái đất cố gắng hòa giải hai đế chế Shi’ar và Kree. Sau sự kiện này, Minerva cũng thành phản diện của Captain Marvel.
6. Mối quan hệ với Nick Fury
Trong phim, Nick Fury và Carol Danvers được xây dựng thành những người bạn thân thiết và tin tưởng lẫn nhau. Khoảnh khắc cuối cùng trong Infinity War, suy nghĩ đầu tiên của vị giám đốc S.H.I.E.L.D là nhắn tin cho cô nàng nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, trong truyện tranh thì cả hai gần như chẳng có mối liên kết gì. Họ chỉ làm CIA chung một khoảng thời gian rất ngắn trước khi Carol trở thành Ms. Marvel còn Nick đầu quân cho S.H.I.E.L.D mà thôi.
7. Monica và Maria Rambeau
Marvel đã có một lựa chọn khá bất ngờ khi biến Maria Rambeau (Lashana Lynch) thành bạn thân và đồng nghiệp của Carol tại Không lực Hoa Kì. Cả hai thân thiết tới mức cô con gái Monica Rambeau (Akira Akbar) coi Carol là người trong gia đình. “Thực tế” phũ phàng hơn phim rất nhiều.
Maria trong truyện chỉ là một thợ may mà thôi. Trong khi đó, Monica mới là người ngang tuổi Carol Danvers và là Trung úy tại càng New Orleans. Cô cũng trở thành một nữ siêu anh hùng với biệt danh Captain Marvel. Dù dùng chung một cái tên, Carol và Monica lại chẳng thân thiết nhau cho lắm.
Captain Marvel hiện đang công chiếu trên toàn quốc.