Làm thế nào để tất cả chúng ta có thể giúp làm chậm sự lây lan dịch Covid-19?

Kể từ tháng 3/2020, việc bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã được tuyên bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. Loại virus này đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước khi dịch Covid-19 tiếp tục có mặt thêm ở nhiều nơi khác, chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và hỗ trợ các biện pháp kiểm soát?

Dưới đây là 5 “bí quyết” được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra để giúp chúng ta đẩy lùi và quyết thắng đại dịch lần này.

Thứ nhất: Hạn chế ra ngoài

Việc tụ họp đông người, tụ họp trong không gian chật hẹp, đứng san sát nhau…dễ dẫn đến lây nhiễm Covid-19. Vì ra đường mà nếu mình (hoặc người khác) có virus SARS-CoV-2, khi ho thì sẽ phát tán virus nhiều; nếu người đối diện, người xung quanh không có phòng vệ thì sẽ bị lây nhiễm. Vậy nên điều cần thiết nhất trong thời điểm này chính là hạn chế ra ngoài. 

“Trong 2 tuần tới chúng ta cố gắng hạn chế đi chợ, một ngày có thể đi chợ cho 2,3 ngày và khi đi chợ vẫn phải đeo khẩu trang. Mỗi gia đình hãy cố gắng nấu ăn tại nhà, nếu tóc chưa dài lắm không đi cắt tóc, chưa cần thiết thì chưa đi làm móng, giày chưa hư thì đừng mua giày, quần áo cũng tương tự. Hạn chế tối đa ra ngoài khi không cần thiết.” – Trích từ lời đề nghị của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Thứ hai: Khoảng cách, khẩu trang

Vấn đề đeo khẩu trang được đặc biệt quan tâm những ngày qua khi Chính phủ yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. 

Từ trước đến nay, người Việt Nam đã có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường để tránh khói bụi. Nên việc đeo khẩu trang trong mùa dịch này không phải là điều quá khó khăn đối với chúng ta. Vì thế, hãy tuân thủ việc đeo khẩu trang khi ở những nơi công cộng như sân bay, siêu thị…nhé!

Thứ ba: Rửa tay thường xuyên

Virus corona lây lan khi dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp chứa virus xâm nhập cơ thể của bạn từ mắt, mũi hay họng, chủ yếu là qua bàn tay. Bàn tay cũng chính là một trong những cách phổ biến nhất khiến virus lây lan từ người này sang người khác.

Vậy chúng ta cần rửa tay khi nào để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19?

  • Sau khi xịt mũi, ho hay hắt hơi
  • Sau khi đến nơi công cộng, sau khi đi các phương tiện giao thông công cộng, đi chợ và những nơi thờ cúng khác
  • Sau khi chạm vào những bề mặt ở môi trường bên ngoài, kể cả tiền giấy
  • Trước, trong và sau khi chăm sóc người ốm
  • Trước và sau khi ăn…

Ngoài ra, bạn nên rửa tay ít nhất trong vòng 20-30 giây. Một mẹo nhỏ rất đơn giản cho bạn dễ nhận biết đủ thời gian rửa tay đó là hãy vừa rửa tay vừa hát bài chúc mừng sinh nhật đủ hai lần nhé!

Thứ tư: Vệ sinh nhà cửa

Việc ‘chiến đấu’ chống đại dịch sẽ chẳng còn quá gian nan nếu chúng ta hiểu đúng và đủ về phương pháp phòng bệnh, từ cách bảo vệ bản thân cho đến vệ sinh môi trường sống sạch sẽ mỗi ngày.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc trưng của virus Corona chủng mới là không lơ lửng trong không khí mà bám trực tiếp vào các bề mặt gỗ, sắt, đá… với thời gian khá lâu. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào những lá chắn cho bản thân mà bỏ qua những mối nguy tiềm ẩn từ các bề mặt trong nhà, vô tình đặt chính mình và gia đình trước bao nguy cơ nhiễm bệnh. Thế nên, việc thường xuyên chú ý vệ sinh, dọn dẹp nơi ở càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết.

Thứ năm: Khai báo y tế

Với tình hình hiện nay, việc khai báo y tế tự nguyện là hành động thiết thực nhất mà chúng ta có thể thực hiện nhằm chung tay đối phó với sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. 

Khai báo y tế là việc cung cấp những thông tin về sức khỏe của người dân, bao gồm: thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, có xuất hiện triệu chứng bệnh hay không, có tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh hay có đi về từ vùng dịch không… Đồng thời, người dân có thể phản ánh thông tin dịch bệnh hay những đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình đang sinh sống

Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (liên quan ca bệnh Covid-19, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch…).

Bạn có thể xem hướng dẫn thực hiện khai báo y tế tại đây.

Tin liên quan Thêm từ tác giả