‘Tomb Raider’: Giải đáp những bí mật về vương triều Yamatai
Những bí mật về vương triều Yamatai sẽ được giải đáp thông qua bom tấn hành động sắp sửa được ra mắt mang tên “Tomb Raider“.
Một tác phẩm điện ảnh khởi động lại thương hiệu phim ăn theo game đình đám Tomb Raider (Tomb Raider: Huyền Thoại Bắt Đầu) sắp được công chiếu sẽ dẫn dắt khán giả bước vào chuyến phiêu lưu tìm kiếm tàn tích của đế chế “Atlantis Châu Á” huyền thoại Yamatai (Tà Mã Đài).
Năm 2013, công ty đồ họa Crystal Dynamics đã hợp tác cùng hãng Square Enix để cho ra mắt phiên bản mới của game điện tử Tomb Raider, với mục tiêu reboot lại series nổi tiếng hơn hai thập niên này (phát hành lần đầu tiên vào năm 1996 trên hệ máy PlayStation). Tomb Raider 2013 nhanh chóng đón nhận cơn mưa lời khen từ các nhà phê bình. Nó bán được hơn 1 triệu bản trong vòng 48 giờ và cán mốc 8,5 triệu bản tính đến tháng 04/2015, biến Tomb Raider 2013 trở thành sản phẩm ăn khách nhất toàn bộ dòng game.
Trong tháng 3 này, những ai là fan hâm mộ của dòng phim hành động phiêu lưu sẽ có dịp thưởng thức và trải nghiệm bộ phim chiếu rạp cùng tên chuyển thể từ Tomb Raider 2013, do nữ diễn viên Thụy Điển Alicia Vikander đảm nhận vai chính. Lấy bối cảnh miền nhiệt đới Châu Á, Tomb Raider 2018 là chuyến khảo cổ đầy mạo hiểm của cô nàng Lara Croft nhằm khám phá sự thật về Yamatai (Tà Mã Đài), vương quốc bí ẩn thuộc lãnh thổ Nhật Bản ngày nay.
Yamatai được nhắc tới lần đầu qua những thư tịch cổ Trung Quốc. Sử kí Tam Quốc Chí biên soạn bởi Trần Thọ ở thế kỉ thứ 3 đã chép rằng: Người Oa (Nhật Bản khi ấy) sinh sống trên một quần đảo có núi cao giữa đại dương. Dưới thời Hán, nước Oa bắt đầu cử sứ giả sang giao thiệp với thiên triều. Khoảng bảy mươi đến tám mươi năm trước đây, nơi đó thường xuyên xảy ra loạn lạc triền miên. Vì vậy, nhân dân bèn quyết định lập nữ pháp sư Himiko làm người cai trị mới. Chiến tranh kết thúc và Himiko lên ngôi, đặt tên quốc gia là Yamatai.
Tài liệu trên miêu tả nữ hoàng Himiko như sau: bà bước lên ngai vương lúc chỉ mới mười bốn tuổi. Himiko sở hữu khả năng phép thuật hô mưa gọi gió cực kì đáng sợ, bà còn biết sử dụng bùa chú để mê hoặc mọi người. Mặc dù đến tuổi trưởng thành, Himiko vẫn sống độc thân. Bà có đứa em trai trợ giúp đắc lực cho bà trong việc trị quốc. Cung điện của Himiko được bao bọc bằng hàng rào cọc chắn kiên cố, với đội quân cấm vệ hùng hậu canh giác cẩn mật.
Tuy nhiên, sau khi Himiko qua đời, các sách Trung Quốc đương thời cũng chẳng nhắc gì thêm về Yamatai nữa. Càng bất ngờ hơn, cả hai sử liệu cổ nhất Nhật Bản là Kojiki lẫn Nihon Shoki đều không hề đề cập đến nữ hoàng Himiko hoặc Yamatai. Do đó, hàng loạt tranh luận học thuật xoay quanh nhân dạng Himiko và địa điểm lãnh địa Yamatai đã bùng nổ dữ dội từ thời Edo.
Một số nhà khoa học phỏng đoán lãnh thổ Yamatai nằm ở phía Bắc đảo Kyushu, số khác nghĩ nó thuộc tỉnh Kinki ngày nay. Theo Tomb Raider 2013, Lara Coft cùng nhóm bạn cộng sự lại chứng minh đế chế Yamatai thực tế ẩn mình ngoài khơi Thái Bình Dương, sâu bên trong vùng tử địa chết chóc có thật mang tên Tam Giác Rồng.
Tam Giác Rồng, hay còn gọi là Biển Quỷ cách bờ biển phía nam thủ đô Tokyo 100 km. Chuyên trang Marineinsight luôn xếp nơi này vô danh sách những vị trí có sóng điện trường mạnh nhất trên thế giới. Hình thành giữa Nhật Bản, quần đảo Bonin và phần lớn biển Philippines, biệt danh Tam Giác Rồng bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa được dân ngư phủ Trung Hoa đồn đại. Họ kể Tam Giác Rồng vốn là ổ cư ngụ của một con rồng khổng lồ hung tợn. Mỗi lần lên cơn đói, nó phun lửa tiêu diệt rồi nuốt trọn mọi tàu bè xấu số dong buồm ngang qua.
Thời cổ xưa, người ta dần nhận thấy rất nhiều tàu thuyền chẳng may lạc vào Tam Giác Rồng đều một đi không trở lại, thậm chí chúng còn không kịp phát ra tín hiệu cầu cứu khẩn cấp. Trong cuốn sách The Dragon’s Triangle xuất bản năm 1989, chuyên gia thần bí Charles Berlitz tiết lộ từ năm 1952 đến 1954, hải quân Nhật Bản mất hơn 5 chiến hạm cùng 700 thủy thủ ở vùng biển này. Theo thống kê của Cục An ninh Hàng hải Nhật Bản thì suốt thập niên 60, đã có 161 chiếc tàu thuyền lẫn máy bay lớn nhỏ bị đánh đắm (hoặc rơi xuống) tại Tam Giác Rồng.
Năm 1281, Hốt Tất Liệt, đại hãn thứ 5 của Mông Cổ kiêm người sáng lập nhà Nguyên ở Trung Quốc từng cố gắng đem lính viễn chinh vượt Tam Giác Rồng nhằm trừng phạt “tiểu quốc” Nhật Bản ương ngạnh. Kết quả là khoảng 80% lực lượng thủy quân Mông Cổ bị bão đánh cho tan tành. Năm 1952, chính phủ Nhật Bản phái tàu Kaio Maru 5 thâm nhập Biển Quỷ để điều tra những vụ mất tích bí ẩn. Thế nhưng cả con tàu và toàn bộ 31 thuyền viên trên đó cũng không bao giờ quay về nữa.
Tương tự tam giác quỷ Bermuda khét tiếng, mọi hệ thống liên lạc vô tuyến, la bàn định vị trên tàu bè, máy bay đều gặp phải sự cố rồi hư hỏng nặng nề khi tới gần tử địa Tam Giác Rồng. Ngoài ra, khu vực xung quanh nơi đây thường đột ngột xuất hiện các đợt sóng dữ cao ngút, lốc xoáy cuồn cuộn cùng sương mù dày đặc, mờ mịt. Vậy liệu có khả năng tồn tại một nền văn minh tân tiến nào bên trong Tam Giác Rồng hay không?
Tomb Raider khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 16/03/2017.