15 ngày trong “cuộc chiến” giành sự sống BN Covid-19 tại điểm nóng Đà Nẵng
“Đưa hai tay lên, mở mắt ra. Bệnh nhân (BN) có nghe rõ không?” – BS. CKII Trần Thanh Linh vừa vỗ nhẹ vào người bệnh nhân, vừa cất tiếng hỏi dứt khoát và ân cần.
Cuộc chiến cam go giành giật sự sống cho người bệnh
Suốt 2 tuần qua, kể từ khi đặt chân đến Đà Nẵng, BS CKII Trần Thanh Linh- Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng ekip bác sĩ tinh nhuệ của viện được Bộ Y tế điều động đã sát sao theo dõi, nỗ lực cứu sống cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nguy cơ tử vong cao ở Đà Nẵng.
Ngày 25/7, Bộ Y tế công bố xác định (BN) bệnh nhân 416 là ca mắc Covid-19 đầu tiên phát hiện trong cộng đồng tại Đà Nẵng, là ca dương tính SARS-CoV-2 sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trong nước.
Đó “phát nổ” đầu tiên của cuộc chiến chống Covid-19 tại “điểm nóng” Đà Nẵng. Ngay trong ngày, BS. BS CKII Trần Thanh Linh cùng ekip bác sĩ tinh nhuệ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có mặt tại Đà Nẵng.
Đây là ekip từng chữa khỏi cho BN 91 (phi công người Anh, 43 tuổi) – ca Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam đợt dịch đó, với 100 ngày điều trị.
“Đó là một cuộc chiến cam go. Nhưng cuộc chiến tại đây (Đà Nẵng) càng cam go hơn vì hầu hết ca mắc Covid-19 đều là những người đang điều trị bệnh lý nền, sức khỏe suy kiệt, nay lại thêm Covid-19 như “giọt nước tràn ly” khiến tình trạng bệnh nhân thêm nặng nề”, BS Linh chia sẻ.
Bác sĩ Linh vẫn nhớ cuộc tiễn nho nhỏ mà Ban Giám đốc và đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy dành cho ekip đầu tiên bao gồm 3 bác sĩ được cử chi viện cho Đà Nẵng. Không khí ấy giống như những người lính sắp lên đường hành quân.
“Chúng tôi vẫn động viên nhau, cứ cố gắng làm đúng quy trình về phòng hộ, nguyên tắc lúc thực thi nhiệm vụ và quan trọng nhất là phía sau mình còn rất nhiều người. Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Ban Giám đốc hay các phòng ban tới nhà động viên gia đình vợ con, nên chúng tôi cũng cảm thấy rất ấm lòng”, Bác sĩ Linh nói.
Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được các chuyên gia đầu ngành tư vấn, thiết kế hệ thống trang thiết bị y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất. Hầu hết các BN được đưa về điều trị tại đây là những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền cao huyết áp hoặc đái tháo đường; hoặc nguy cơ cao hơn là các BN có bệnh nền suy thận.
Có những trường hợp BN nếu không được ekip bác sĩ Chợ Rẫy điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo) kịp thời ngay từ những ngày đầu thì khó qua khỏi để từng bước có dấu hiệu phục hồi sức khoẻ đáng mừng hơn như hiện nay như BN 416.
Bên trong phòng điều trị bệnh nặng ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, BS CKII Trần Thanh Linh kiểm tra từng chỉ số diễn tiến tình trạng sức khoẻ của BN 416. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, BS Linh vừa vỗ nhẹ vào người đàn ông đang nằm như không còn biết gì trên giường bệnh, vừa cất tiếng hỏi dứt khoát và ân cần: “Đưa hai tay lên, mở mắt ra. Bệnh nhân có nghe rõ không”.
Suốt 15 ngày qua, BS. Trần Thanh Linh cùng ekip bác sĩ tinh nhuệ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã sát sao kiểm tra từng ngày, từng giờ dấu hiệu sinh tồn của BN 416 cũng như bệnh nhân mắc Covid-19 nặng ở Đà Nẵng, để hội chẩn, đưa ra các phương án điều trị tốt nhất, giành giật sự sống cho các BN.
Theo BS Trần Thanh Linh, BN 416 đã 61 tuổi, bệnh nền là tăng huyết áp, tình trạng tổn thương phổi rất xấu, không thua gì BN 91. Nhờ hệ thống ECMO xử lý kịp thời, đến hôm nay tình trạng của bệnh nhân huyết áp đã ổn định hơn. Mức độ tổn thương phổi cũng như phụ thuộc vào oxy, ECMO đã giảm đi. Tiên lượng mức độ phục hồi của BN vẫn còn rất nặng. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại đáp ứng sau khi kiểm soát bởi hệ thống ECMO, mục tiêu tiếp theo là cố gắng làm sao từng bước một điều chỉnh dần , cải thiện ôxy máu và sau đó giảm đi các chỉ số ECMO, từng bước tiến tới cai ECMO nếu những đáp ứng lâm sàn của BN tốt hơn. Nếu không thực hiện ECMO kịp thời ngay từ đầu thì có lẽ BN đã không qua khỏi.
Cũng như BN 416, có nhiều BN đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng có bệnh nền nặng, suy tim, bóng tim rất to. Những BN này không nhiễm Covid-19 thì nguy cơ tử vong cũng rất cao. Nỗ lực giành giật sự sống cho các BN, một dấu hiệu tiến triển sức khoẻ tốt hơn của từng BN là một động lực tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ điều trị các bệnh nhân nặng.
Như trường hợp BN 416 hay một BN khác là một cụ ông đã 80 tuổi. Ông cụ có bệnh nền suy tim, suy thận mạn, hội chứng thận hư. Hôm trước BN diễn tiến rất xấu, nguy cơ phải lọc máu. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh bằng thuốc nội khoa. Tình trạng BN hôm nay khá hơn, không phải lọc máu nữa. Một tín hiệu đáng mừng là kết quả xét nghiệm Covid-19 của hầu hết các bệnh nhân ở đây đều âm tính.
“BN có bệnh lý nền , tuổi cao diễn tiến thế này thì anh em rất mừng, tiếp động lực cho anh em bác sĩ chúng tôi chăm sóc những bệnh nhân nặng tiếp theo” – BS Linh nói.
Không đặt mốc thời gian, chỉ biết nhất định sẽ chiến thắng trở về!
Sau quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19 người Anh, bác sĩ Linh được đặt tên gọi “Bác sĩ 91”.
Với “Bác sĩ 91”, cuộc chiến với dịch bệnh là nhiệt huyết, là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc.
“Trong “cuộc chiến” này, chưa biết đến thời điểm nào mới có thể khống chế hoàn toàn dịch tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã dự đoán, trong 10 ngày có thể sẽ là đỉnh dịch. Chúng tôi khi lên đường ít ai đặt ra mốc thời gian trở về mà chỉ tâm niệm hai điều: gia đình và nhất định sẽ quay trở về”, bác sĩ Linh tâm sự.
“Bác sĩ 91” tin rằng bằng sự nỗ lực cố gắng hết mình của đội ngũ thầy thuốc đang xả thân nơi đây, chắc chắn sẽ có một ngày họ chế ngự được Covid-19 và sẽ giành chiến thắng.
Nói về sự hi sinh khi phải rời xa gia đình, dấn thân vào nơi dịch bệnh nguy hiểm, bác sĩ Linh cho rằng đó là tính chất nghề nghiệp mà các bác sĩ đã lựa chọn. “Có thể tôi cũng như các đồng nghiệp của tôi chấp nhận hy sinh một chút, nhưng sẽ giải quyết được rất nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân, cho cả cộng đồng và xã hội. Nếu tất cả đều cố gắng để dập tắt dịch thì chắc chắn sẽ những nỗ lực của chúng ta sẽ được đền đáp”, bác sĩ Linh nói.
“Không chỉ bản thân chúng tôi, mà gia đình cũng ủng hộ, phải thắng trong “trận chiến” này mới quay trở về. Người Việt mình có điểm rất hay là sống rất tình cảm. Xung quanh gia đình có bạn bè, người thân, tình làng nghĩa xóm… tạo nên sự gắn kết, nên dù có ở xa hay gần tôi đều cảm thấy ấm lòng”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Linh, các anh em thầy thuốc tăng cường cho Đà Nẵng đều xem như anh em một nhà, đã ra “chiến trường” thì luôn giữ mình lúc nào cũng vô tư, thoải mái.
“Mỗi sáng sớm nếu có thời gian anh em vẫn có thể cùng chạy bộ chút xíu để giảm stress, căng thẳng rồi lại lên đường. Trong quá trình làm việc chúng tôi cùng hỗ trợ, nương tựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn. Dù ở xa nhưng nếu ở gia đình có khó khăn về mặt tinh thần, vật chất hay bất cứ điều gì thì đồng nghiệp, bạn bè trong TP Hồ Chí Minh đều hỗ trợ. Mỗi ngày anh em chúng tôi đều nhận được cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân động viên, đó là những điều chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng khi đang trên trận tuyến”, Bác sĩ Trần Thanh Linh tâm sự.
Nguồn: Dân trí