Nguồn gốc trào lưu đang gây sốt “chủ tịch giả nghèo… và cái kết”
Dạo một vòng Facebook hay Youtube, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi trào lưu bình luận và viết chú thích “chủ tịch giả nghèo, thử lòng… và cái kết – đừng bao giờ coi thường người khác…”. Vậy nguồn gốc trào lưu đó xuất phát từ đâu?
Nhiều ngày nay, chỉ cần lướt mạng xã hội vài vòng, không khó để bắt gặp loạt câu nói như: “Chủ tịch giả nghèo để thử lòng bạn gái và cái kết”, “Chủ tịch giả danh nhân viên để thử lòng và cái kết”, “Chủ tịch giả làm bảo vệ và cái kết”… Mô-típ quen thuộc này bỗng gây sốt và được dân mạng phát cuồng, đi đâu cũng thấy “chủ tịch” xuất hiện.
Những ai hiểu thì cảm thấy khá hài hước và bình thường, tuy nhiên một số người chưa rõ nguồn gốc của câu nói này tỏ ra khá bối rối và thậm chí còn bực mình vì ai cũng sử dụng gây tình trạng “bội thực”. Để nói về nguồn gốc của hot trend này thì nó xuất hiện được một thời gian khá dài rồi.
Lần tìm nguồn gốc của trào lưu “chủ tịch giả nghèo”, thì trào lưu này bắt nguồn từ mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Sau đó, các Youtuber Việt Nam đã việt hoá trào lưu này và khiến nó trở nên “hot” hơn bao giờ hết.
Có thể kể đến kênh Youtube với gắn liền với nhân vật “chủ tịch” và khẩu hiệu “đừng bao giờ coi thường người khác” là kênh SVM School.
Hầu hết, các clip có liên quan đến “chủ tịch” đều có nội dung na ná nhau: Một người giả nghèo giả khổ cố tình tạo ra một tình huống nào đó để thử lòng cấp dưới của mình. Và đến cuối cùng, khi người nhân viên đã bộc lộ bản chất thật của mình thì người nghèo khổ kia liền tiết lộ danh tính thật của mình. Từ đó, người xem có thể rút ra bài học đó là “đừng bao giờ coi thường người khác”.
Từ Youtube, trào lưu “chủ tịch giả nghèo” đã lan sang Facebook. Đi đầu là các fanpage đã “mượn” ý từ các kênh Youtube nói trên và sử dụng để viết chủ thích cho bài đăng của mình.
Hưởng ứng trào lưu đó, các Facebooker cũng nhanh chóng bắt kịp bằng cách bình luận dưới những bài đăng hài hước. Và từ đó, cơn bão “chủ tịch giả nghèo” làm mưa làm gió cộng đồng mạng những ngày nay. Rất nhiều cư dân mạng đã nhanh tay chế ảnh “chủ tịch” theo dòng hot trend.