Xem những hiện vật gốc về Ngày Độc lập 2-9

Nhiều hiện vật gốc liên quan đến Ngày Độc lập 2-9 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như Tuyên ngôn độc lập, micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, Hiến pháp năm 1946…

Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Trưng bày chuyên đề Ngày Độc lập 2-9, được Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 – 2020), kéo dài đến hết tháng 12.

Hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu được trưng bày kể cho công chúng nghe câu chuyện về sức mạnh dân tộc và Ngày Độc lập 2-9.

Những tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu như: nghị quyết, chỉ thị, sưu tập báo chí, truyền đơn, vũ khí, cờ… đã cho thấy sức mạnh dân tộc đến từ sự đoàn kết một lòng của toàn thể nhân dân để tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.

Trong khi đó, các hình ảnh, tài liệu, hiện vật về: Lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp, sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa (hay còn gọi là giấy bạc Cụ Hồ), tem thư… mang đến tình cảm tự hào và xúc động về Ngày Độc lập, sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ trong lòng nhân dân.

Micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập – Ảnh: T.ĐIỂU

Ở đó người xem được thấy sự đóng góp to lớn của nhân dân qua những đồng tiền nhân dân đóng góp để mua vũ khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945, tín phiếu Tổ quốc ghi công Mặt trận Việt Minh cấp cho người dân ủng hộ Quỹ cứu quốc, chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945…

Chiếc kèn đồng ông Bùi Thanh Thử – mục sư Hội giáo Tin lành – dùng tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây – Hà Nội tháng 8-1945 cũng đem đến niềm xúc động về sự đoàn kết mọi tầng lớp, giai cấp, tôn giáo trong một ý chí chung là giải phóng dân tộc.

Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, hay chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập… mang đến những cảm xúc lớn lao về những sự kiện lịch sử trọng đại.

Ngoài ra những hiện vật giản dị gắn liền với người dân như tờ báo Nam Bộ xuất bản ở Nam Bộ mừng Ngày Độc lập 2-9-1945, chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945… lại cho thấy một dáng hình đất nước sừng sững từ bao lớp người dân bé nhỏ.

Nhiều hiện vật trưng bày là hiện vật gốc và không được trưng bày thường xuyên tại bảo tàng nên đây là cơ hội hiếm cho công chúng được tận mắt xem những bản gốc quý giá.

Một số hình ảnh hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm:

Báo Nam Bộ xuất bản ở Nam Bộ mừng Ngày Độc lập 2-9-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Bộ quần áo kaki Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công – Ảnh: T.ĐIỂU

Bộ sưu tập cờ Tổ quốc mà các địa phương dùng trong Tổng khởi nghĩa năm 1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Chỉ kim tuyến phụ nữ Hà Nội dùng thêu cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 12-3-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

 

Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại ngày 30-8-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Tuyên bố của Phái đoàn Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại ngày 30-8-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Họa bản báo Việt Nam Độc Lập – cơ quan tuyên truyền của Việt minh Cao – Bắc – Lạng số 102 xuất bản tháng 7-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày 6-1-1946 – Ảnh: T.ĐIỂU

Kèn đồng ông Bùi Thanh Thử – mục sư Hội giáo Tin lành – dùng tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây – Hà Nội tháng 8-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Sưu tập tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa (giấy bạc Cụ Hồ) – Ảnh: T.ĐIỂU

Thư lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh ủng hộ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đánh đuổi Nhật, Pháp tháng 8-1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Tiền nhân dân đóng góp để mua vũ khí chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Tín phiếu Tổ quốc ghi công Mặt trận Việt Minh cấp cho người dân ủng hộ Quỹ cứu quốc có đóng dấu Bộ Tài chính Việt Nam năm 1945 – Ảnh: T.ĐIỂU

Tờ báo Đông Phát ra đúng ngày 2-9-1945 kêu gọi người dân dự lễ mừng Ngày Độc lập chính là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam – Ảnh: T.ĐIỂU

 

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ 

Tin liên quan Thêm từ tác giả