Bạn đã hiểu hết về “người phản diện”
Phản Diện Là Gì?
Joker, Gollum, Darth Vader, Anton Chigurh, Hans Landa,… Những kẻ phản diện ấn tượng như thế đều là thành tố quan trọng để thu hút sự quan tâm của khán giả với một bộ phim. Thực ra, phản diện đã tồn tại từ rất lâu và là một phần không thể thiếu trong bất cứ câu chuyện nào. Vậy thì phản diện là gì? Họ có vai trò như thế nào? Và đâu là những yếu tố làm nên một phản diện chất lượng?
Định nghĩa
Từ “phản diện” mà chúng ta hay dùng có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, đó là antagonistēs. Đây là một từ ghép, với 2 thành tố là “anti” – mang nghĩa phản lại, đối lập, cùng với đó là agonizesthai, có nghĩa đấu tranh để giành được phần thưởng. Như vậy, có thể khẳng định:
Phản diện là người đối đầu với kẻ muốn giành được phần thưởng. Nói một cách dễ hiểu hơn, thì họ sẽ là đối thủ của những nhân vật chính. Bất cứ ai có mục đích xung đột với nhân vật chính, cản trở nhân vật chính đạt được mục đích, thì đó đều là phản diện.
Ví dụ như tay sát thủ John Doe trong Se7en nhẫn tâm giết người hàng loạt, trái ngược với nhiệm vụ thượng tôn luật pháp của những vị thanh tra; hoặc là trong Whiplash; khi người thầy Terence Fletcher liên tục chèn ép nhân vật chính Andrew trong quá trình anh ta luyện tập để trở thành tay trống đại tài.
Từ định nghĩa kể trên, chúng ta sẽ dẫn sang phần tiếp theo.
Khác biệt so với ác nhân
Từ phản diện thường được gán cho những ác nhân như Aliens, Darth Vader hay Jason Voorhees. Trong rất nhiều bộ phim, hai khái niệm “ác nhân” và “phản diện” có thể gộp vào làm một, nhưng thực tế là chúng không giống nhau.
Như đã đề cập ở trên, phản diện là đối trọng của nhân vật chính, là một hoặc nhiều cá nhân cản trở nhân vật trung tâm đạt được mục đích.
Nhưng. ác nhân lại có phần phức tạp hơn. Theo trang Dictionary.com, ác nhân là “một người hiểm độc có dính líu, hoặc cống hiến cho tội phạm và cái ác”. Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì ác nhân là những kẻ chuyên làm điều xấu xa, trái với lề lối thông thường. Ví dụ như nhân vật Anton Chigurh trong phim No Country For Old Men. Hắn ta liên tục giết người, thậm chí còn coi đó là điều tất yếu, rằng hắn có thể quyết định vận mệnh của con người.
Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa phản diện và ác nhân, đó là ác nhân buộc phải có những hành động lệch lạc, trong khi phản diện không nhất thiết phải như thế. Nói trực diện hơn, thì phản diện là một vai trò trong cốt truyện; còn ác nhân chỉ là một dạng nhân vật.
Thực tế, có không ít nhân vật đóng vai trò “phản diện” nhưng thực ra lại theo phe tốt. Có thể kể đến nhân vật Carl Hanratty trong Catch Me If You Can như một ví dụ điển hình. Người đàn ông này là một đặc vụ F.B.I, có nhiệm vụ bắt giữ siêu trộm Frank Abagnale, Jr., cũng là nhân vật chính của phim. Về cơ bản, Carl đúng là người của công lý, khi những hành động của ông là thượng tôn luật pháp. Song, những hành động đó lại là sự cản trở đối với nhân vật trung tâm của bộ phim, ngăn chặn anh ta đạt được mục đích.
Một ví dụ tương tự, là siêu bom tấn Infinity War của nhà Marvel. Các bạn nghĩ đội siêu anh hùng là nhân vật chính trong phim, còn Thanos là phản diện phải không? Sự thật là ngược lại. Trong một buổi phỏng vấn, bộ đôi biên kịch đã chia sẻ rằng Thanos mới là nhân vật trung tâm của bộ phim này, rằng hắn ta mới là người phải vượt qua trở ngại và phải hy sinh trên hành trình hiện thực hóa mong muốn.
Như vậy, những biểu tượng công lý như Captain America, Thor hay Black Panther mới là phản diện, bởi họ đã ngăn chặn Thanos trong quá trình thu thập 6 viên đá vô cực. Thực ra, nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi gã Titan điên mới là người có thời lượng xuất hiện nhiều nhất trong phim, và cũng là nhân vật duy nhất xuất hiện trong cả phân cảnh mở đầu và kết thúc.
Như đã nói ở trên, phản diện là hình thức nhân vật đã tồn tại từ rất lâu, cụ thể là từ khi hình thức kể chuyện ra đời, và thậm chí còn là một cột trụ của câu chuyện. Vậy kiểu nhân vật này có vai trò như thế nào?
Tầm quan trọng của phản diện
Khi bàn về vấn đề này, Christoph Waltz, nam diễn viên nổi tiếng với rất nhiều vai phản diện đã chia sẻ:
“Bạn cần phải có kẻ xấu. Nếu không, người tốt có thể ở nhà ngồi chơi xơi nước.”
Để hiểu ý nghĩa của nhận định trên, chúng ta cần đặt góc nhìn rộng hơn một chút. Theo Chris Drew, một tiến sĩ chuyên ngành giáo dục tại Canada, thì một câu chuyện cần phải cấu thành từ 8 yếu tố, trong đó có XUNG ĐỘT. Cụ thể, một câu chuyện cần phải hàm chứa những mâu thuẫn bên trong để có thể phát triển.
Trong hầu hết chuyện phim, kẻ phản diện thường là những người tạo ra sự xung khắc đối với nhân vật chính. Trong Black Panther, hành động tuyên chiến của Erik là xung khắc với mục tiêu giữ lấy ngai vàng của T’Challa; hoặc trong The Dark Knight, khi những hành động ngông cuồng của Joker đối lập với chế độ trật tự mà Người dơi đã tạo ra.
Nói cách khác, những phản diện có nhiệm vụ thử thách khí phách của những nhân vật chính, tạo ra những vấn đề buộc các nhân vật trung tâm phải giải quyết. Có thể khán giả bị thu hút bởi quá trình vượt qua trở ngại của các anh hùng trong phim, nhưng suy cho cùng, những tay phản diện mới là cội nguồn của những thách thức đó. Trong Whiplash, vì sao Andrew phải luyện tập đến điên cuồng, thậm chí phải bỏ lại gia đình và người yêu? Đó là bởi người thầy Fletcher đã tạo ra áp lực khủng khiếp, đay nghiến Andrew đến mức anh không còn lựa chọn nào khác.
Với vai trò to lớn như thế, phản diện quả là một thành tố đặc biệt quan trọng, gần như không thể thiếu trong bất cứ bộ phim nào. Roger Ebert, nhà phê bình phim vĩ đại của nước Mỹ từng viết:
“Một bộ phim chỉ hay, khi nó có phản diện hay mà thôi.”
Nhận định này sẽ dẫn chúng ta đến phần tiếp theo, đó là:
Thế nào là một phản diện hay?
Rõ ràng, phản diện cũng chỉ là một dạng nhân vật, vì thế, một phản diện chất lượng cũng không thể thiếu đi yếu tố làm nên một nhân vật tốt, đó là: “khơi dậy được lòng cảm thông từ khán giả.”
Lòng cảm thông không phải điều gì đó đơn giản, nên để hình thành được cảm xúc này trong lòng người xem, một tay phản diện cũng cần sở hữu nhiều yếu tố theo kèm.
Đầu tiên là “nền tảng”. Khán giả cần biết về nguồn gốc xuất thân, quá khứ, lối sống của con người kia, tóm lại là tất cả những gì làm nên hình ảnh phản diện. Bởi chúng ta làm sao có thể gần gũi và thông cảm với những người không hề quen biết, mà ta không hiểu rõ? Thực tế, ngay cả khi đã biết về thân thế của kẻ phản diện, khán giả chưa chắc đã thông cảm được với họ, bởi suy nghĩ và trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, nhưng không thể phủ nhận đây là một cách hiệu quả để ghi dấu hình tượng cá nhân nào đó vào tâm trí.
Ví dụ với Erik Killmonger, tay phản diện trong bộ phim Black Panther. Trong phim, khán giả được chứng kiến một loạt những tội ác của người đàn ông này, như phản bội đồng minh, giết người, thậm chí là đi ngược lại với truyền thống của Wakanda. Nhưng, khi quay ngược lịch sử, khán giả được biết tội ác của Erik là hậu quả từ những bị kịch mà người đàn ông này phải trải qua. Cha anh là N’Jobu bị quốc vương Wakanda giết chết. Sau đó, Erik còn bị T’Challka bỏ rơi ngay tại Oakland, và phải sống đời mồ côi, khổ sở suốt khoảng thời gian sau đó. Nói cách khác, quê hương Wakanda đã gián tiếp đẩy Erik Killmonger vào con đường hận thù.
Yếu tố thứ hai là động cơ. Cụ thể, khán giả cần biết lý do đằng sau hành động của mỗi tay phản diện, hoặc là một lý tưởng, suy nghĩ nào đó dẫn họ đến với hoàn cảnh hiện tại. Và tất nhiên, những lý do đó cũng cần được xây dựng một cách hợp lý.
Chúng ta sẽ tiếp tục với Erik Killmonger. Anh ta có mong muốn được ngồi lên ngai vàng Wakanda, được trị vì vương quốc tối tân, và không từ mọi thủ đoạn để làm được điều đó, kể cả là phản bội hay giết người đi chăng nữa. Song, mong muốn đó lại xuất phát từ suy nghĩ mà ai cũng có thể thấu hiểu được. Erik khát khao sự bình đẳng dành cho tộc người da màu trên thế giới, vì anh đã phải trải qua tuổi thơ khổ cực và bất hạnh. Để làm được điều đó, Wakanda cần phải vào cuộc, không còn ẩn dật sau bóng tối nữa. Có thể những hành động của Erik là cực đoan và bạo lực, nhưng xét ở bối cảnh bộ phim, chúng vẫn đủ sức khơi dậy lòng cảm thông từ khán giả.
Yếu tố tiếp theo làm nên một phản diện chất lượng, đó là mối quan hệ của họ với nhân vật chính. Nói cách khác, 2 tuyến nhân vật này cần có mối liên kết với nhau. Sự ràng buộc này, trước hết được thể hiện ở mục tiêu. Trong cuốn sách Anatomy of a Story, tác giả John Truby viết:
“Một đối thủ thực thụ không chỉ ngăn chặn người hùng đạt được mong muốn, mà còn cạnh tranh với anh ta vì một mục tiêu chung.”
Ví dụ như T’Challa và Erik Killmonger trong Black Panther. Xuyên suốt câu chuyện, tuy cả hai người đối đầu nhau chan chát, và Erik liên tục gây khó dễ cho người hùng báo đen,. Nhưng sau cùng, cả hai đều chiến đấu vì một mục đích, đó là ngai vàng của xứ Wakanda.
Hoặc trong bộ phim Whiplash. Dù Fletcher có đọa đày, đe dọa, thậm chí là phỉ báng cậu học trò Andrew; nhưng về cốt lõi, đích đến của ông cũng giống như nhân vật chính, đó là biến anh trở thành tay trống cự phách.
Nhưng, yếu tố trên chưa phải điểm kết nối duy nhất. Vẫn theo tác giả John Truby, sự đối lập giữa 2 tuyến nhân vật chỉ thực sự mạnh mẽ khi cả hai có nét tương đồng đáng kể. Vì khi đó, nhân vật chính sẽ không trở nên tốt đẹp tuyệt đối, mà phản diện cũng không hoàn toàn xấu xa.
Ví dụ như trong No Country For Old Men. Tuy là 2 nhân vật xung đột với nhau xuyên suốt chiều dài phim, nhưng Llewyn và Anton có một điểm chung, rằng họ đều là những kẻ bị săn lùng vì sai sót của bản thân. Trong khi Llewyn phải chạy trốn vì đã giữ lấy cặp tiền không phải của mình, thì Anton lại bị cảnh sát lùng sục vì đã có những hành động phá vỡ luân thường, như giết người, và phá hoại tài sản.
Như đã đề cập, nhiệm vụ cốt lõi của phản diện là ngăn chặn nhân vật chính. Vậy thì làm sao để thực hiện điều này cho hiệu quả?
Tác giả John Truby tiếp tục phân tích như sau:
“Đối thủ chính trong câu chuyện là kẻ giỏi nhất trong việc tấn công vào điểm yếu của nhân vật. Và anh ta cần phải làm điều đó một cách gay gắt.”
Như vậy, một nhân vật phản diện chỉ thực sự ấn tượng khi anh ta khai thác được khiếm khuyết của nhân vật trung tâm. Có như vậy, người hùng của câu chuyện mới bị dồn nén vào bước đường cùng, từ đó thay đổi và phát triển.
Quay lại với Whiplash. Ngay từ đầu phim, khán giả đã được cung cấp thông tin rằng Andrew là một người u sầu, thui thủi, cô đơn, từ đó dẫn đến khiếm khuyết của chàng trai này, rằng anh ta quá tự ti và yếu đuối. Ông thầy Fletcher nắm bắt rất rõ điểm yếu này, và đánh trực diện vào nó, đánh liên tục, đánh tái đánh hồi, đánh không thương xót.
Để rồi cuối cùng, Andrew buộc phải thay đổi, trở thành con người tham vọng, thậm chí là tự cao hơn.
Trong Seven, nhân vật David Mills được giới thiệu là một người rất tự tin và hừng hực sức trẻ. Nói cách khác, điểm yếu của anh ta là hấp tấp và không biết lượng sức mình. Nhân vật phản diện John Doe đâm thẳng vào khiếm khuyết này, bằng cách liên tục đi trước lực lượng công lý một bước. Thậm chí ở cuối phim, tên này còn thao túng luôn được cả hành động của anh cảnh sát trẻ.
Chính vì những lý do kể trên, mà hầu hết các phản diện ấn tượng đều có một đặc tính, đó là họ chỉ có thể làm đối trọng với nhân vật chính trong phim đó thôi, nếu bê nguyên nhân vật đó sang những câu chuyện khác, chúng ta có thể sẽ không nhận được giá trị gì cả. Joker chỉ có thể là đối thủ của Batman, kẻ ngáng chân Andrew Neiman phải là Terence Fletcher, hay Erik Killmonger mới đủ sức gây khó dễ cho T’Challa. Có như thế, nhân vật chính của câu chuyện mới có điều kiện để phát triển và thay đổi, bởi nhân sinh quan, cũng như tính cách và trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.
Chúng ta không thể ép Joker vào làm phản diện của Andrew Neiman, cũng không thể để Terence Fletcher trở thành phản diện của Llewyn Moss, bởi họ khác biệt nhau ở rất nhiều khía cạnh, từ mong muốn, xung đột cho đến tính cách.
Thực tế, những người có thể trở thành phản diện hay kẻ ác trong bất cứ câu chuyện nào, như Jason Voorhees trong Friday the 13th rất dễ trở thành nhân vật tệ, bởi vì họ thường được xây dựng theo hướng một chiều, dễ đoán, khó khơi gợi cảm xúc của khán giả.
Tóm lại, tuy phản diện là một vai trò rất cơ bản trong bất cứ câu chuyện nào, nhưng xây dựng một nhân vật phản diện chất lượng là công việc không hề đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi tài năng cũng như tâm huyết của những nhà làm phim, cùng với đó là những diễn viên có năng lực thật sự. Nhưng, nếu đã xây dựng được một vai phản diện chất lượng, thì chắc chắn tổng thể bộ phim cũng sẽ là tác phẩm đáng xem với bất cứ tín đồ điện ảnh nào, giống như nhà làm phim thiên tài Alfred Hitchcock từng nói:
“Phản diện càng thành công, thì phim càng thành công.”
Huu Long