LG có thể đóng cửa luôn nhà máy sản xuất Smartphone
Theo Koreatimes, nỗ lực bán nhà máy sản xuất điện thoại của LG cho Vingroup thất bại vì tập đoàn của Việt Nam đưa ra giá thấp hơn so với kỳ vọng của công ty. “Thỏa thuận đã sụp đổ và lý do lớn nhất là chênh lệch về mức giá của hai bên”, một quan chức cấp cao trong ngành nói.
Trước một cuộc phỏng vấn vào tháng 1, CEO LG Electronics nói rằng tất cả các lựa chọn đều đang được xem xét kỹ lưỡng. Công ty cho biết đã tạm ngưng việc phát triển dòng điện thoại có màn hình cuộn vào tháng trước. Đến ngày hôm qua, tờ DongA cho biết LG cũng đã tạm hoãn kế hoạch ra mắt nửa đầu năm nay của tất cả các dòng điện thoại thông minh.
Nguồn tin của tờ DongA cho biết thêm, LG sẽ sớm công bố số phận của mảng kinh doanh điện thoại di động với nhân viên của họ vào đầu tháng 4 tới.
Cuối tháng trước, tờ Korea Times cho biết nỗ lực gần đây của LG Eletronics trong việc bán nhà máy điện thoại di động cho Tập đoàn Vingroup (Việt Nam) đã thất bại. Nguyên nhân đến từ đề nghị của Vingroup thấp hơn so với mức mong muốn của Tập đoàn Hàn Quốc.
Tình hình thua lỗ kéo dài
LG chỉ bán được 6,5 triệu chiếc điện thoại trong quý III/2020, chiếm 2% thị phần toàn cầu, theo Counterpoint. Chưa có số liệu của quý IV và cả năm 2020, nhưng không khó để dự đoán LG sẽ tiếp tục có một năm lao dốc vì smartphone. Mảng này đã khiến gã điện tử khổng lồ Hàn Quốc lỗ tới 5 nghìn tỷ Won (4,5 tỷ USD) trong vòng 5 năm qua trong khi các bộ phận khác vẫn liên tục phá kỷ lục doanh thu.
Vì vậy, sau tất cả, tin tức LG quyết định bán mảng smartphone là chuyện sớm muộn cũng xảy ra. Thế nhưng nó lại trở thành tin tức sốt dẻo với người Việt khi báo Hàn loan tin một tập đoàn lớn của Việt Nam đang nổi lên là ứng viên hàng đầu thâu tóm lại mảng smartphone của LG ở Mỹ.
LG Electronics nỗ lực phục hồi kinh doanh smartphone trong vài năm gần đây thông qua điều chỉnh danh mục sản phẩm và mở rộng giao dịch ODM. Để kích thích doanh số dòng cao cấp, công ty giới thiệu dự án Explorer với mục tiêu tung ra các sản phẩm có kiểu dáng khác lạ và nâng cấp trải nghiệm so với thị trường. Wing, mẫu smartphone hai màn hình, là một trong số đó. LG Electronics cũng dự định ra mắt smartphone dùng màn hình OLED cuộn lại được vào nửa sau năm nay.
Thị phần của LG trên thị trường smartphone toàn cầu vào khoảng 2%. Ngoài việc bị Samsung và Apple lấn lướt trên phân khúc cao cấp, LG còn gặp khó khi vấp phải những đối thủ Trung Quốc trên phân khúc bình dân.
Tại quê nhà Hàn Quốc, LG là nhà sản xuất lớn thứ ba năm 2020 với thị phần 13%, theo hãng nghiên cứu Counterpoint. Samsung dẫn đầu với 65%, tiếp theo là Apple với 21% thị phần.
Lý do của sự thua lỗ
Lý do lớn nhất dẫn đến sự thua lỗ của LG chính là sự chậm chân trên thị trường công nghệ hiện đại phát triển quá nhanh. Khi mà người anh em cùng quê Samsung đã ra mắt dòng sản phẩm Galaxy S đầu tiên sử dụng màn hình Super AMOLED (công nghệ OLED). Thì tới 7 năm sau, LG giới thiệu G6 tại Mobile World Congress vẫn sử dụng màn IPS (công nghệ LCD) và bo mạch rời trong khi đối thủ đã dùng hệ thống trên một vi mạch (SoC). Chưa kể đến mảng thiết kế Samsung vẫn luôn được đánh giá cao hơn LG ở mặt thẩm mỹ.
Không những chậm chạp hơn đối thủ về phần cứng, điện thoại LG cũng gặp không ít vấn đề khi ra mắt thị trường. Tập hợp các lỗi không rõ nguyên nhân là do phần cứng hay phần mềm xảy ra trên điện thoại LG được gọi chung là lỗi “đột tử”, mà nó có thể là lỗi hỏng cảm ứng, lỗi bootloop, lỗi màn hình…
Trong đó, lỗi nghiêm trọng nhất chính là bootloop tràn lan trên các dòng điện thoại G4, V10, V20, G5 và Nexus 5X (hợp tác với Google). Hiểu đơn giản bootloop là lỗi biến smartphone thành cục gạch và hiếm khi xảy ra với điện thoại Android chưa root (tương tự như jailbreak trên iPhone). Lỗi này đã dẫn đến một vụ kiện ở bang California hồi năm 2017 mà kết quả cuối cùng là LG đồng ý bồi thường 425 USD tiền mặt hoặc giảm giá 700 USD (ở lần mua kế tiếp) cho những nạn nhân trong vụ kiện ở Mỹ.
Trên các diễn đàn công nghệ nước ngoài, LG bị người dùng liên tục phàn nàn về tình trạng chậm cập nhật firmware, nhanh nóng máy, hao pin. Khi bị các đối thủ giá rẻ đến từ Trung Quốc như Xiaomi hay Oppo phả hơi nóng vào gáy, LG mới vội vàng cải tiến pin, nâng cấp màn hình, sạc nhanh. Tuy nhiên, vấn đề cuối cùng là khâu phân phối và tiếp thị, tính sẵn sàng của chuỗi cung ứng lại không đồng bộ khiến điện thoại LG phải rất lâu mới thực sự có mặt trên thị trường sau ngày công bố ra mắt (launching).
Vốn cạnh tranh trong một thị trường quá khắc nghiệt bởi các ông lớn lâu năm như Samsung, Apple, LG còn phải đối đầu với những người trẻ tuổi như Huawei, Oppo, … Nhưng với giá cả được đánh giá là lưng chừng giữa chợ thì người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hài lòng về LG.
——————————————————————————————————————————————–
Khám phá cách tìm tất tần tật nội dung Fshare nhanh chóng và chính xác tại đây