“Đỏ mặt” với câu dịch “Purple is my favorite color” của Google Translate, hậu quả vì để người dùng tự đóng góp

Không chỉ Google Translate mà cả Youtube và Wikipedia cũng gặp phải tình cảnh tương tự khi để cho người dùng thoải mái đóng góp, xây dựng nội dung.

Google Translate (Google dịch) được gã khổng lồ Google “khai sinh” từ tháng 4/2006, là dịch vụ ngôn ngữ miễn phí với khả năng chuyển ngữ tức thì. Sau nhiều năm liên tục phát triển và nâng cấp, hiện công cụ này đã có thể dịch được 109 ngôn ngữ khác nhau, thông qua văn bản, giọng nói và cả hình ảnh, lượng người dùng lên tới 500 triệu mỗi ngày.

Được đỡ đầu bởi ông lớn trong ngành công nghệ, Google Translate ngày càng thông minh hơn, chất lượng các bản dịch đã được cải thiện nhưng vẫn không ít lần mắc lỗi đến “dở khóc dở cười”.

Mới đây, cư dân mạng lại truyền tay nhau một trường hợp dịch lỗi của Google Translate khiến nhiều người phải đỏ mặt. Khi người dùng nhập câu “Purple is my favorite color”, thay vì nghĩa đúng “Tím là màu yêu thích của tôi” thì ô chữ tiếng Việt lại hiển thị cụm từ sai chính tả và mang nội dung thiếu văn minh.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều lần Google Translate rơi vào tình cảnh “nghĩa một đằng, dịch một lẻo”. Google không lên tiếng chính thức về vấn đề mà dường như tự mình cải thiện dần dần.

Không chỉ công cụ dịch thuật, một đứa con khác của Google là Youtube cũng gặp phải tình trạng tương tự khi tiêu đề tên nước ngoài của các video thường xuyên bị người dùng Việt Nam dịch sai lệch.

Một nạn nhân khác nữa thường xuyên “bị hại” là “bách khoa toàn thư” Wikipedia.

Còn nhớ vụ việc vào năm 2014,tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, thí sinh Nguyễn Cao Kỳ Duyên, sinh năm 1996 và lớn lên tại Nam Định, giành được ngôi vị cao nhất. Tuy nhiên, vì tân hoa hậu trùng tên với một MC nổi tiếng ở hải ngoại, nên nhiều người dùng đã sửa đổi trang tiểu sử của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên (49 tuổi) để cô này trở thành… Hoa hậu Việt Nam thay vì tạo một trang tiểu sử mới.

Năm 2016, cư dân mạng cũng một lần nữa xôn xao, truyền tay nhau bức ảnh chụp màn hình tiểu sử của nhà khoa học Isacc Newton bị xuyên tạc trên Wikipedia.

Hay mới đây, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, rất nhiều thông báo tới từ nhiều trường Đại học và trường tiểu học, trung học toàn quốc đã được đưa ra để cho phép học sinh, sinh viên kéo dài thời hạn nghỉ, nhằm đối phó tốt hơn với tình hình lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường Đại học đều có chung quyết định như vậy, không ít trường vẫn giữ nguyên quan điểm về ngày đi học trở lại sớm hơn. Điều này đã khiến một bộ phận sinh viên bất mãn và cố tình chỉnh sửa thông tin về trường trên trang Wikipedia với những nội dung không phù hợp.

Việc các bài viết bị chỉnh sửa sai lệch khiến ban quản trị Wikipedia không ít lần phải đưa ra tính năng “khóa chỉnh sửa bài viết” và chỉ mở lại sau một thời gian nhất định.

Tình trạng nội dung bị dịch hoặc chỉnh sửa sai lệch xảy ra là bởi cả ba nền tảng trên đều cho phép người dùng đóng góp, viết bài, mang tính chất tham khảo chung. Vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể vào chỉnh sửa khi đã có tài khoản lập ra sau vài phút. Chỉ cần một bộ phận người dùng thiếu ý thức sẽ làm mất tính chính xác của thông tin và làm xấu đi mục đích tốt đẹp vốn có của các công cụ này.

Nguồn: cafebiz.vn

Tin liên quan Thêm từ tác giả