X-Men: Dark Phoenix là phim siêu anh hùng lỗ thảm nhất lịch sử

Phiên bản 2015 của “Fantastic Four” là vết đen trong dòng phim siêu anh hùng. Nhưng “Dark Phoenix” có khả năng còn gây lỗ hơn cả tác phẩm cách đây bốn năm do chính Fox sản xuất.

Trong tuần thứ hai trình chiếu, Dark Phoenix tụt doanh thu xuống mức 9 triệu USD tại khu vực Bắc Mỹ, và rơi thẳng xuống vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng. Đây là dự án gặp nhiều trắc trở do Fox sản xuất trước khi về tay Disney, cũng như là tác phẩm X-Men cuối cùng của hãng.

Đã có không ít dự đoán không hay xoay quanh Dark Phoenix từ trước giờ bộ phim khởi chiếu. Tuy nhiên, sự lụn bại tại phòng vé của bộ phim thực sự nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Doanh thu tụt không phanh

Sau khoảng 10 ngày trình chiếu, Dark Phoenix hiện mới thu khoảng 51,7 triệu USD nội địa, và 204,2 triệu USD trên toàn cầu. Với 9 triệu USD trong ba ngày cuối tuần qua, doanh thu Bắc Mỹ của bộ phim giảm tới 72,9% so với tuần ra mắt.

X-Men: Dark Phoenix là phim siêu anh hùng lỗ thảm nhất lịch sử

Đó là mức tụt cao thứ ba lịch sử đối với các tác phẩm điện ảnh dựa trên truyện tranh. Chỉ Steel (1997) với mức giảm 77% từ 1,9 triệu USD, và Dylan Dog: Dead of Night với mức giảm 87% từ 754.000 USD, là cao hơn thế. Nhưng cả hai đều chỉ là những dự án nhỏ, chứ không tiêu tốn tới 200 triệu USD để sản xuất như Dark Phoenix.

Theo thống kê của Box Office Mojo, mức giảm 72,9% của bộ phim dị nhân cao thứ 19 trong số các tác phẩm điện ảnh được trình chiếu tại trên 2.000 rạp Bắc Mỹ.

Nếu nâng mức thống kê lên các phim chiếu tại hơn 3.000 rạp Bắc Mỹ, Dark Phoenix chỉ hơn Friday the 13th (2009) với mức tụt 80% từ 40 triệu USD, The Mortal Engines (2018) với mức tụt 77% từ 7,55 triệu USD, và Fifty Shades of Grey (2015) với mức tụt 73,9% từ 85 triệu USD.

Con số doanh thu 51,7 triệu USD nội địa lúc này của Dark Phoenix thậm chí còn kém ba ngày đầu trình chiếu của The Wolverine (53 triệu USD, 2013), X-Men (54 triệu USD, 2000), và X-Men: First Class (55 triệu USD, 2011). Tạp chí Forbes nhận định mức 75 triệu USD nội địa lúc này cũng là mục tiêu ngoài tầm với đối với dự án 200 triệu USD.

Đáng buồn hơn, X-Men: The Last Stand (2006) – nỗ lực thất bại đầu của Simon Kinberg trong việc kể lại câu chuyện về Phượng hoàng Bóng tối trên màn ảnh – chỉ mất hai ngày để mang về 77 triệu USD nội địa.

Còn như tác phẩm thành công nhất về mặt doanh thu của mạch truyện chính là X-Men: Days of Future Past (2014), phim đã sớm vượt qua mốc nửa tỷ USD chỉ sau hai tuần trình chiếu.

Một dự án gây lỗ khủng khiếp

Năm 2015, hãng Fox thất bại trong việc tái khởi động thương hiệu Fantastic Four. Phiên bản mới về Bộ tứ Siêu đẳng khi ấy bị giới phê bình chê bai đủ đường, và rốt cuộc chỉ mang về 56 triệu USD nội địa, cũng như 167 triệu USD toàn cầu. Dẫu vậy, dự án tiêu tốn của Fox 120 triệu USD, tức ít hơn 80 triệu USD so với Dark Phoenix.

Ngay cả khi được một vài thị trường ngoài nước ủng hộ và tạo ra tỷ lệ doanh thu 25% nội địa – 75% quốc tế, với 75 triệu USD nội địa, Dark Phoenix sẽ chẳng thể mang về nổi 300 triệu USD. Điều đó đồng nghĩa với việc đây sẽ trở thành tác phẩm điện ảnh dị nhân kiếm tiền kém nhất của Fox.

X-Men: Dark Phoenix là phim siêu anh hùng lỗ thảm nhất lịch sử

Có quá nhiều lý do khiến Dark Phoenix lụn bại. Một số nguồn tin cho rằng James Cameron đã gây áp lực để giành vị trí khởi chiếu vào dịp lễ Valentine năm nay cho Alita: Battle Angel, và đẩy bộ phim dị nhân vào thế khó với mùa phim hè.

Câu chuyện về Phượng hoàng Bóng tối từng được kể một lần trên màn ảnh, và khán giả đại chúng thực tế không quá mặn mà với phần nội dung như nhiều fan ruột của nguyên tác. Hay yếu tố ngôi sao gần như vắng bóng trong phim, và dự án thiếu vắng gương mặt quen thuộc Wolverine của Hugh Jackman.

Trên hết, Dark Phoenix là một tác phẩm không tốt. Bộ phim có thể hay hơn X-Men: Apocalypse (2016) một chút, nhưng như thế là chưa đủ. Ba năm qua, Marvel Studios đã chiêu đãi công chúng hàng loạt tác phẩm siêu anh hùng chất lượng, và khán giả không muốn bỏ tiền ra cho một dự án bị trì hoãn phát hành nhiều lần.

Việc Disney thâu tóm Fox càng khiến số đông khán giả nôn nóng chờ đợi lần lượt các nhóm X-Men cùng Bộ tứ Siêu đẳng xuất hiện trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, và chẳng còn màng tới phần kết của thương hiệu đã kéo dài gần 20 năm do Fox sản xuất.

X-Men: Dark Phoenix là phim siêu anh hùng lỗ thảm nhất lịch sử

Có một điều thú vị rằng Simon Kinberg – đạo diễn kiêm biên kịch của Dark Phoenix – từng là đồng biên kịch của Fantastic Four. Nhưng cách đây bốn năm, báo chí chủ yếu nhắc tới sai lầm của đạo diễn Josh Trank.

Hay X-Men: Apocalypse là bước lùi khủng khiếp của thương hiệu sau X-Men: Days of Future Past, mà ở đó, Kinberg cũng chính là nhà đồng biên kịch. Thậm chí, có thông tin cho thấy ông đã có lúc làm thay công việc đạo diễn cho Bryan Singer, giành được thiện cảm từ dàn diễn viên và khiến họ trở lại thực hiện tập cuối.

Nhưng sau thất bại của Dark Phoenix, Simon Kinberg chính là cái tên được nhắc tới nhiều nhất khi ông cùng lúc đảm nhận hai vị trí quan trọng. Trên thực tế, hồi cuối tuần qua, nhà làm phim công khai phát biểu rằng ông xin chịu mọi trách nhiệm cho thất bại phòng vé của dự án.

Và đó là cái kết buồn dành cho thương hiệu X-Men vốn được nhiều người yêu mến kể từ năm 2000.

Tin liên quan Thêm từ tác giả