5 thông điệp đắt giá từ Aladdin – Ai vừa bế giảng hãy xem ngay số 4 để đỡ hoang mang nhé
Tưởng như Disney lại phải đón nhận một tác phẩm live-action “bom xịt” Aladdin, nhưng không. Bên cạnh nội dung và dàn dựng thu hút, những bài học mà Aladdin để lại còn quý giá hơn cả.
Trái ngược với trailer được đánh giá là “nhạt toẹt” và hình tượng Thần Đèn Will Smith bị “ném đá” tơi tả thời gian ra mắt, Aladdin có vẻ đang đi đúng hướng của mình khi được khen không ngớt lời trên khắp các trang mạng xã hội. Bên cạnh phần nhạc “đã tai” cùng với việc dàn dựng bối cảnh và các cảnh quay nhạc kịch sống động, Aladdin còn được để ý đến những “triết lý” ngầm trong cuộc sống. Đặc biệt, bộ phim được dán nhãn P (phổ biến đến mọi đối tượng khán giả), những giá trị ngầm trong phim lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đối với học sinh 12 sắp cùng nhau “đóng băng” thì đây chính là những “bài học để đời” làm hành trang bước vào tương lai.
1. Đừng vội chê bai một kẻ lang thang “đầu đường xó chợ” như Aladdin vì có thể anh ta sẽ trở thành một nhân vật quan trọng sau này!
Năm nào cũng như năm nấy, sắp đến ngày tổng kết thì lại nghe đâu đó câu chuyện dạy dỗ học sinh để bước vào đời, một trong số đó là bài học đừng bao giờ xem thường bạn học “đội sổ” trong lớp. Và quả nhiên, điều này lại vô cùng trùng hợp với nhân vật Aladdin trong phim. Xuất thân là một nhân vật nằm ở “hạng bét” tầng lớp trong xã hội Ả Rập thời đó, Aladdin ngày đêm bước vào hành trình trộm đồ để nuôi sống bản thân mình. Tuy vậy, nhưng anh chỉ trộm những kẻ giàu bất chính và có cơ hội thì chia cho người nghèo, vô gia cư.
Trong một phân đoạn hoàng tử Anders đến thăm công chúa Jasmine, khán giả bỗng chú ý một câu thoại vô cùng triết lý. Đại ý là thẳng thừng chê thân phận thấp kém của Aladdin và tự tôn vinh thân phận cao quý ở trong cung điện của một tên cận thần của hoàng tử Anders. Tuy nhiên, ông không hề biết rằng kẻ mà mình đang chê lại chính là người sẽ lấy được công chúa Jasmine sau này và cứu một đất nước hưng thịnh thoát khỏi ách kìm kẹp của pháp sư Jafar.
Trong thực tế, có vô số những trường hợp những người nổi tiếng và thương nhân giàu có xuất thân từ tầng lớp thấp kém hoặc sống trong những khu ổ chuột tồi tàn, và điều này lại một lần nữa minh chứng cho triết lý đang đề cập ở trên.
2. “Lấy một món đồ thì sẽ thành tên trộm nhưng lấy công chúa sẽ trở thành Quốc Vương”
Cùng một công việc nhưng khác nhau ở số phận chính là cách mà đoạn thoại mang đầy tính ẩn dụ này gợi nhắc. Xuất phát từ phân cảnh Aladdin bị rơi vào tay của pháp sư Jafar, ông ta đã tìm mọi cách để dụ dỗ chàng trai “ngọc trong đá” này bước vào hang động để lấy đèn thần cho mình. Biết Aladdin ngày đêm trôi nổi trộm đồ mà sống, ông đã dùng ngay câu này như lời hứa sau khi hoàn thành việc lấy đèn thần sẽ giúp Aladdin có được công chúa và có khi là cả vương quốc.
Đúng như vậy, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, một bộ phận thanh thiếu niên sẽ băn khoăn rất nhiều với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, làm gì cũng được nhưng phải đặt hết tâm huyết và làm cố gắng đi từ nhỏ nhặt đến làm những việc lớn lao. Đừng bao giờ chịu “ì ịch” giam mình trong những công việc đã quen tay đến hàng trăm ngàn lần. Thoát ra khỏi vùng an toàn, một là sâu bước sẽ thoát xác thành ngài, hai là sẽ tự có cho mình những bài học vô cùng quý giá mà không phải ai cũng có được.
Tương tự như điều này, trong đời sống hằng ngày người ta hay nói với nhau “liều thì ăn nhiều” là vậy.
3. Be yourself (Hãy là chính mình)
“Hãy là chính mình” dường như là thông điệp cốt lõi chạy dài trong cả mạch phim của Aladdin. Từ việc có được cây đèn thần và sở hữu cho mình 3 điều ước, ai ai cũng ước có được cuộc sống giàu sang với vương quyền hùng mạnh. Tuy nhiên, những điều ước như vậy chỉ làm thay đổi vẻ bề ngoài của một người chứ không hề “đụng” đến cốt cách ở bên trong. Cho dù Aladdin ước mình có thể trở thành hoàng tử, có nhiều quyền thế nhưng bên trong anh vẫn là một người giản dị, không quen với kiểu lễ nghi trịnh trọng. Và đặc biệt, con người anh làm nên một Aladdin mà công chúa Jasmine đặt niềm tin vào chứ không phải tất thảy những hào quang bên ngoài mà Thần Đèn mang lại.
Trong một cuộc hội thoại với Thần Đèn, Aladdin thừa nhận rằng mình không dám tiết lộ thân phận thật sự cho công chúa biết, vì sợ cô sẽ hụt hẫng và xa lánh anh. Nhưng cũng chính vì điều này mà Thần Đèn thất vọng vì trước nay cứ nghĩ anh là một người đặc biệt, khác với những kẻ hám lợi mà Thần Đèn phục vụ trước kia.
Trong cuộc sống cũng vậy, người ta cứ truyền tai nhau “nếu không có thứ gì thì hãy tỏ ra mình có tất cả”. Câu này chẳng sai cũng chẳng đúng, nó khuyến khích người ta sống một cuộc đời lạc quan nhưng lại “quăng” người ta vào thế dần mất đi bản chất con người thật sự của mình. Chung quy lại, làm gì thì làm, là chính mình vẫn quan trọng nhất!
4. Đừng chỉ học trong sách vở, hãy ra ngoài và trải nghiệm nhiều hơn!
Vì mẫu hậu bị sát hại trong một lần vi hành ra khỏi cung điện mà bà đã qua đời. Cũng chính vì vậy, Quốc Vương có lệnh không để công chúa Jasmine bước ra ngoài tránh gặp rắc rối. Nhưng cũng chính vì lệnh cấm này mà công chúa phải giam mình trong cung điện và chỉ biết đến thế giới bên ngoài qua từng trang sách, từng lời kể. Trong một đoạn đối thoại với Aladdin, công chúa không khỏi tiếc nuối và thất vọng rằng dù thân là công chúa nhưng nàng lại chẳng biết nhiều bằng Aladdin về vương quốc của mình.
Điều này đặt ra câu hỏi với các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Ta cứ nghĩ ta đã có đủ kiến thức và thật giỏi với số điểm cao qua các kỳ thi nhưng thật sự đầu óc ta lại rỗng toét khi áp dụng nó đến thế giới bên ngoài. Dẫu biết rằng kiến thức là quan trọng nhưng kinh nghiệm và trải nghiệm lại càng vô cùng cần thiết hơn. Hỡi các bạn sắp bước ra đời, hãy hành động và bước ra xã hội khám phá, đừng như con ếch, chỉ biết mãi đáy giếng của mình.
5. Cho đi là còn mãi!
Con người thường có xu hướng muốn nhận lại nhiều hơn là cho đi, nhưng hành động cho đi mới là hành động đáng trân quý và còn mãi với thời gian. Thần Đèn nói, cả cuộc đời ông phải làm nô lệ cho những chủ nhân sở hữu được chiếc đèn, ông không thể có nổi một khoảnh khắc tự do nào. Đương nhiên, ông muốn làm người bình thường, muốn hạnh phúc và sống bên mái ấm của mình, nhưng điều đó xưa nay không thể thực hiện được. Ông luôn mong ước có một ai đó dành điều ước thứ 3 cho mình nhưng xem chẳng ai “ngu dại”.
Tuy nhiên, Aladdin là một ngoại lệ. Sau khi trải qua hết mọi thử thách, anh không ước thêm mình thành hoàng tử, có công chúa, có được vương quốc mà dành điều ước cuối cùng của mình cho Thần Đèn như một lời cảm ơn. Và quả thật, Thần Đèn không khỏi cảm động và một nửa cuộc đời còn lại của ông luôn tưởng nhớ đến Aladdin, đem câu chuyện ra kể cho các con của mình.
Thế mới thấy, bạn sử dụng một thứ gì đó kiểu gì rồi cũng sẽ hết nhưng bạn cho đi thì còn mãi. Tượng tự như vậy, ông bà ta dạy dỗ “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là vậy!
Tạm kết: Tuy có những tranh cãi trước đó về “độ hay” của phim sau khi tung trailer, Aladdin rốt cuộc đã vượt quá mong đợi của mình. Nó là một bộ phim đáng xem, đáng suy ngẫm nhưng cũng đầy tính giải trí.