Huawei: “Kết nối, điện toán, đám mây, AI rất giống điện của 100 năm trước”
Huawei khẳng định kết nối, đám mây, AI, điện toán và các ứng dụng trong các ngành sẽ kết hợp với nhau để tạo ra những cơ hội chưa từng có cho lĩnh vực ICT.
Sáng nay (23/9), sự kiện Huawei Connect 2020 đã chính thức được khai mạc. Đây là sự kiện thường niên có quy mô toàn cầu trong lĩnh vực ICT, nơi các lãnh đạo Huawei công bố chiến lược, định hướng của tập đoàn.
Năm nay, Huawei Connect 2020 đặc biệt thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong bối cảnh Chính phủ Mỹ liên tục gia tăng sức ép trong việc triển khai 5G và cơ hội phát triển trong những mảng công nghệ khác.
Tại sự kiện này, ông Guo Ping – Chủ tịch luân phiên Huawei, đã có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề “Tạo ra giá trị mới với sức mạnh tổng hợp trên 5 lĩnh vực công nghệ”.
Đây cũng là 5 lĩnh vực được Huawei tiếp tục đầu tư trong thời gian tới, bao gồm: kết nối thông minh, điện toán, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo, và các ứng dụng trong ngành.
Định hướng này được đưa ra trong bối cảnh 5G đã được triển khai trên quy mô toàn thế giới, còn 5 yếu tố trên kết hợp với nhau để tạo ra những cơ hội chưa từng có cho lĩnh vực ICT.
Ông Guo Ping đánh giá lĩnh vực công nghệ ngày nay quan trọng như ‘điện’ của 100 năm trước.
“Kết nối, điện toán, đám mây và AI rất giống ‘điện’ của 100 năm trước, trong khi các ứng dụng trong các ngành giống như thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp được vận hành bằng điện”, ông Guo Ping nhận xét.
Khi nói về ảnh hưởng của những lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ, ông Guo Ping cho biết Huawei “đang ở trong tình thế khó khăn” và “chịu áp lực đáng kể”. “Hiện tại, sinh tồn là mục tiêu”, ông Guo khẳng định.
Tuy nhiên, lãnh đạo Huawei tin tưởng rằng sức mạnh tổng hợp trên 5 lĩnh vực công nghệ nêu trên sẽ mang lại cơ hội cho Huawei. Quan trọng hơn, chúng sẽ mang lại các cơ hội cho toàn bộ lĩnh vực ICT toàn cầu.
Lấy thí dụ như Trung Quốc. Năm ngoái, nền kinh tế kỹ thuật số chiếm khoảng 1/3 tổng GDP quốc nội, và 2/3 tổng tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhu cầu kỹ thuật số mới từ các chính phủ và doanh nghiệp đã liên tục xuất hiện.
Ở sân bay Thâm Quyến, cơ quan quản lý đang sử dụng AI để xử lý các vấn đề hậu cần tại cửa tàu bay. Năm 2019, công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng giúp tăng hiệu quả kiểm tra an ninh sân bay lên 60%.
Trong suốt đại dịch, AI được sử dụng để phân tích hình ảnh chụp cắt lớp (CT) của các bệnh nhân Covid-19 tiềm năng, giảm thời gian nhận được kết quả từ 12 phút xuống chỉ vài giây.
Trong ngành ngân hàng, AI cũng bắt đầu được sử dụng để chống lại gian lận, với những cảnh báo chính xác chỉ trong vài phút.
Ông Guo nhấn mạnh: “Khi ngày càng nhiều chính phủ và các doanh nghiệp sử dụng kỹ thuật số và tiến tới thông minh hóa, lĩnh vực ICT sẽ nhận thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kinh ngạc”.
Theo: Dantri.com.vn