Apple bị hai mẹ con người Trung Quốc lừa, phải bảo hành hơn 1000 chiếc iPhone giả
Apple luôn muốn mang đến cho người dùng những chính sách hậu mãi tốt nhất, tuy nhiên đôi khi lại bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo và kiếm lời.
Theo báo cáo từ tờ RSF của Thụy Sỹ, hai công dân người Trung Quốc – có quan hệ mẹ con, đã sử dụng hơn 1000 chiếc iPhone giả “trông giống như thật”, có xuất xứ từ Hồng Kông để thực hiện một vụ lừa đảo dựa trên lỗ hổng dịch vụ AppleCare tại Thụy Sĩ.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, người con trai phải đối mặt với án tù 4 năm, đồng thời bị trục xuất khỏi Thụy Sĩ, nơi anh ta đã sống gần 20 năm qua. Ngoài ra, hai mẹ con người Trung Quốc nói trên cũng phải hầu tòa trong hôm nay và ngày mai vì hành vi lừa đảo.
Được biết, hai người này đã sử dụng cách thức tương tự như vụ lừa đảo 1 triệu USD từng thấy trước đây. Theo đó, họ sử dụng những chiếc iPhone giả trông giống như hàng thật nhưng bị hỏng để mang đến Apple Store và yêu cầu bảo hành. Những thiết bị này đã được giả mạo số IMEI, khớp với số IMEI trên iPhone chính hãng đã mua gói bảo hành AppleCare+.
Tiếp theo, kẻ lừa đảo sẽ mô tả rằng iPhone của chúng bị hư hỏng do nước vào. Trong trường hợp này, nếu điện thoại không thể bật nguồn, Apple sẽ bỏ qua các bước kiểm tra tại cửa hàng để tránh nguy cơ chập điện dẫn đến cháy nổ pin.
Theo chính sách của gói bảo hành AppleCare+, người dùng sẽ được đổi luôn máy mới mà chỉ phải bù thêm số tiền khoảng 107 USD (tương đương 2.5 triệu đồng). Lợi dụng chính sách này, người con trai nói trên đã qua mặt được nhân viên và lừa Apple hơn 1000 chiếc iPhone, trong khi mẹ anh ta thì “tráo đổi” thành công 100 chiếc nữa.
Mặc dù vậy, SRF cho rằng hai mẹ con này dường như không phải là kẻ chủ mưu của vụ lừa đảo. Cụ thể, họ chỉ đóng vai trò trung gian, nhận iPhone giả từ một người khác ở Hồng Kông để đem đi bảo hành và gửi lại iPhone thật cho người đó. Với mỗi thiết bị được “tráo đổi” thành công, hai mẹ con sẽ nhận được một khoản “hoa hồng” là 11 USD (khoảng 255.000 đồng).
Hai công dân người Trung Quốc nói trên khẳng định rằng họ vô tội, vẫn nghĩ iPhone mà mình được “nhờ” mang đi bảo hành là iPhone thật. Mặt khác, họ chỉ đóng vai trò trung gian, làm dịch vụ bảo hành hộ và nhận tiền công của mình.
Vụ lừa đảo chỉ bị phanh phui khi các nhân viên hải quan Thụy Sĩ tại thành phố Basel kiểm tra hai gói hàng với hơn 50 chiếc iPhone ở bên trong và sau đó phát hiện chúng là hàng giả. Quan trọng hơn, vẫn chưa thể giải thích tại sao hải quan Thụy Sĩ có thể nhận ra đó là iPhone giả, trong khi các nhân viên Apple Store thì không.
Nguồn: Tri thức trẻ