‘Rô bốt’ phân tích da mặt cho khách mua hàng online tại Việt Nam
Từ ảnh chụp selfie, máy tính dùng trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích da mặt và đưa ra lộ trình chăm sóc da.
Khi mua hàng qua ứng dụng, khách có thể gửi ảnh chân dung để được soi da miễn phí, sau đó được đề xuất các sản phẩm làm đẹp phù hợp. Trong lúc chờ kết quả soi da, nhãn hàng sẽ gửi cho khách một số cách thức để da khoẻ đẹp. Tất cả các thao tác này đều được thực hiện tự động bằng chatbot.
Shopee vừa kết hợp với Pond’s cho ra tính năng tư vấn mua hàng, soi da miễn phí. Khi khách gửi ảnh chân dung, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích dữ liệu để đánh giá tình trạng da mặt của người dùng, sau đó đưa ra các bước chăm sóc da và sản phẩm phù hợp.
Thử nghiệm cho thấy việc trò chuyện với rô-bốt khá trơn tru, thời gian chờ kết quả soi da diễn ra trong vòng một phút. Trong lúc chờ đợi, nhãn hàng sẽ đưa ra một lời khuyên để giữ da mặt khoẻ mạnh.
Chúng tôi gửi một bức ảnh chân dung chụp bình thường và một tấm ảnh đã qua phần mềm chỉnh sửa (cho da mặt đẹp hơn), kết quả vẫn như nhau mặc dù phần đánh giá chi tiết có đôi chút khác biệt.
Có 4 tiêu chí được đánh giá bao gồm: nếp nhăn, đốm nâu và tàn nhang, mụn, da không đều màu.
Để làm được việc này, hệ thống máy tính phải có lượng dữ liệu lớn về ảnh chân dung, kết hợp máy học và hệ thống trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh.
Dù kết quả soi da qua hình ảnh chỉ có tính tham khảo, nhưng nó là một công cụ hữu ích cho người muốn có kết quả nhanh, ngại đi đến các phòng khám chuyên nghiệp, hay ít nhất là một tính năng cộng thêm mang tính chất vui vẻ cho người mua sắm online.
Ngoài Việt Nam, tính năng này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn ở các thị trường khác bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Trước khi ứng dụng trên thương mại điện tử, nhà bán hàng cho biết đã triển khai tính năng soi da cho người dùng trên Facebook Messenger ở 9 quốc gia vào năm ngoái. Có đến 98% người tiêu dùng yêu thích các tương tác của họ với chatbot, tạo ra nhu cầu mua hàng cao hơn 15 lần so với trang website hiện tại. Đồng thời, người tiêu dùng dành thời gian trên tính năng chat nhiều hơn gấp ba lần.
Tại Việt Nam, chuỗi FPT Shop khi bán kính cũng từng cho khách thử online. Chuỗi này áp dụng công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường), để khách không cần tải ảnh lên cũng có thể thử kính. Tuy nhiên tính năng này hiện nay đã bị ẩn.
Mới đây, PayME – một công ty khởi nghiệp thanh toán trên mạng xã hội – đưa thêm giải pháp tích hợp vào chatbot, cho phép máy tính tự đưa giá sản phẩm, đưa link thanh toán cho khách, kiểm tra xem khách thanh toán hay chưa, không cần sự can thiệp của con người.
Chatbot – máy tính chat với khách hàng – không mới tại Việt Nam nhưng các tính năng nâng cao như trên không có nhiều. Các con bot hiện nay chỉ dừng ở mức đưa địa chỉ cửa hàng, liệt kê sản phẩm, trả lời các câu hỏi đơn giản của khách, chưa đưa ra các tư vấn chuyên sâu. Để chatbot thông minh đòi hỏi một lượng dữ liệu nạp vào rất lớn và nhiều kịch bản được xây dựng khác nhau nhằm trả lời thuần thục các yêu cầu của người dùng.
Trong thương mại điện tử tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng nhiều trong nhận diện hình ảnh hay ký tự. Với dữ liệu này, hệ thống sẽ phân loại hàng hoá thuộc danh mục cấm mà người dùng tải lên, hay phát hiện các nội dung không phù hợp trong các bài đăng lên trang bán hàng. Ở khâu vận hành, trí tuệ nhân tạo cũng được dùng để phân biệt hàng hoá hư bể, nhãn mác không phù hợp thông qua hệ thống camera quan sát.
Trong khi đó, được áp dụng nhiều nhất trên các nền tảng mua sắm trực tuyến chính là tính năng đề xuất sản phẩm liên quan. Tính năng này xây dựng dựa trên các công nghệ tiên tiến bao gồm cả máy học, với dữ liệu là các sản phẩm mà khách hàng đã giao dịch hay tìm kiếm.
Trên thế giới, một số trang mua sắm đã cho phép khách thử quần áo online. Một số nơi gợi ý sản phẩm nội thất dựa trên ảnh chụp các phòng trong nhà.
Việc dùng chatbot để tư vấn mua sắm được áp dụng mạnh mẽ trên các nền tảng mua sắm lớn như eBay, Alibaba.
Vào năm 2011, hãng Gartner dự báo năm 2020, 85% các hoạt động giao tiếp giữa khách hàng và doanh nghiệp sẽ không phải qua con người. Điều này đang thành hiện thực ở nhiều quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển mạnh như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Dương Tuyền (Theo ICTNews)