Việt Nam hiện đứng 21 thế giới về lĩnh vực AI
Với việc đầu tư phát triển công nghệ AI của các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, nhiều chuyên gia AI giỏi của Việt Nam tại nước ngoài đã quay trở về nước.
Dùng công nghệ AI để chuyển đổi số
Chiều 30/10, Bộ TT&TT đã tổ chức ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện (FPT.AI). Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam nhằm thực hiện chương trình quốc gia về chuyển đổi số.
FPT.AI là nền tảng cung cấp các sản phẩm giúp tự động hóa các tác vụ lặp, nâng cao hiệu quả vận hành doanh nghiệp và chăm sóc khách hàng. Sau 3 năm ra mắt, nền tảng này đã triển khai dịch vụ của mình tới hàng trăm khách hàng là các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bộ TT&TT đã tổ chức ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện (FPT.AI).
Theo đại diện FPT, việc ứng dụng chatbot vào quá trình chăm sóc khách hàng tại hệ thống bán lẻ FPT Shop của tập đoàn này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Hệ thống này đã hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho hơn 160.000 dùng, giúp giảm tải 60% lượng công việc cần đến sức người và tăng 20% doanh số bán hàng trực tuyến.
Những số liệu trên là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ AI nhằm chuyển đổi số phương thức làm việc truyền thống.
Việt Nam hiện đứng 21 thế giới về lĩnh vực AI
FPT.AI là nền tảng AI thứ 2 được Bộ TT&TT cho ra mắt. Trước đó, Bộ TT&TT cũng đã giới thiệu tới cộng đồng nền tảng Viettel AI Open Platform.
Theo ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong vài năm gần đây, công nghệ AI đã được Việt Nam quan tâm và đầu tư phát triển. Theo một số thống kê tại Hội nghị quốc tế về AI (ICML 2020), Việt Nam có tổ chức nghiên cứu đứng thứ 21 trên bản đồ AI thế giới.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, công nghệ AI đã được Việt Nam quan tâm và đầu tư phát triển.
Tuy vậy, khi so sánh về mức độ đầu tư cho AI trên tổng số dân, chỉ số này tại Mỹ là 155 USD/người, tại Singapore là 68 USD/người, trong khi đó ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Phillipines, Việt Nam, chỉ số này chỉ dưới 1 USD.
Giải thích cho sự khác biệt trên, ông Đỗ Công Anh cho biết, những dữ liệu này có thể có độ trễ nhất định do việc khảo sát được tiến hành từ những năm trước. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, số liệu về việc đầu tư cho AI đôi khi không được các nhà đầu tư công bố.
Theo vị chuyên gia của Cục Tin học hóa, dù mức độ đầu tư không thực sự lớn, thế nhưng vị thế của Việt Nam về AI đã tăng lên rất nhanh. Cùng với việc đầu tư phát triển công nghệ AI của các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, nhiều chuyên gia AI giỏi của Việt Nam tại nước ngoài đã quay trở về nước.
Ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT).
Từ thực tế này, ông Công Anh kỳ vọng công nghệ AI sẽ mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế số. “Theo một dự báo, AI có thể đóng góp 12% cho GDP của Việt Nam vào năm 2030”, vị chuyên gia của Cục Tin học hóa nói.
Bộ TT&TT hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên phát triển 8 lĩnh vực trong chương trình Chuyển đổi số Quốc gia là y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tài nguyên môi trường và sản xuất công nghiệp.
Ông Công Anh mong muốn các tập đoàn lớn như FPT sẽ nắm vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số để từ đó tạo nên một cộng đồng, một hệ sinh thái AI tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên phối hợp với các trường đại học để đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo.
Trong cuộc CMCN 4.0, dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên quý giá như dầu mỏ. Nếu “dầu thô” được khai thác, nó sẽ trở thành nguồn nhiên liệu cho các ngành công nghiệp. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp công nghệ là phải giữ được nguồn tài nguyên dữ liệu này và tinh chế tại Việt Nam.
Do đó, ông Công Anh gợi ý các doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ AI vào việc tạo ra những “con bot” để thăm hỏi, từ đó đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Theo Trọng Đạt