Mối nguy khôn lường khi Youtuber Việt bất chấp tất cả để “câu view”
Để trở nên nổi tiếng và thu hút được nhiều lượt xem trên Youtube, nhiều bạn trẻ Việt đã không ngần ngại thực hiện những video với nội dung “bẩn” và nhảm nhí, điều này gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
“Câu view” bất chấp bằng nội dung bẩn và nhảm nhí
Sự phát triển của Internet và giá thành smartphone ngày càng trở nên rẻ hơn, việc sử dụng một chiếc smartphone để thực hiện những đoạn video, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cùng với trào lưu làm video trên thế giới, trào lưu tự quay các đoạn video cũng trở nên nở rộ tại Việt Nam. Đặc biệt khi Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà sáng tạo video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video được chia sẻ lên Youtube, càng khuyến khích nhiều người trẻ tại Việt Nam tự thực hiện các đoạn video để chia sẻ lên Youtube nhằm kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh những video được đầu tư thực hiện và chăm chút một cách cẩn thận, không kém phần chuyên nghiệp cả nội dung lẫn các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh trên video… đã thu hút rất nhiều người xem vì cung cấp các thông tin và nội dung bổ ích, không ít bạn trẻ tại Việt Nam lại chọn cách “câu view” trên Youtube bằng những video có nội dung nhảm nhí, thậm chí là điên rồ và nguy hiểm.
So với những video được đầu tư và chăm chút một cách chuyên nghiệp, những video “bẩn” này thường không phải đầu tư quá nhiều về kiến thức, khả năng xử lý nội dung video… nên rất dễ thực hiện và được nhiều Youtuber tại Việt Nam lựa chọn để phát triển.
Điều đáng nói là những video này thường khơi gợi trí tò mò nên thu hút rất đông lượt người xem. Có những video đạt lượt xem lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn thậm chí lên đến hàng triệu, mang lại những khoản thu nhập lớn cho chủ kênh Youtube. Điều này càng khiến cho có thêm nhiều video “bẩn” được ra đời và xuất hiện dày đặc trên Youtube.
Nổi bật trong số là những video với nội dung “thử thách”, mà những người thực hiện video sẽ thực hiện các “thử thách” để kiểm tra khả năng chịu đựng của con người, nhưng trên thực tế, đây là những thử thách vô nghĩa và thậm chí là điên rồ.
Chẳng hạn với video “Thử thách 24h làm heo” hay “thử thách 24h làm chó”, một bạn trẻ sẽ sống trong hình ảnh… một chú heo hoặc chó trong vòng 24h rồi quay video và đăng tải lên Youtube. Những video này đều thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn lượt xem.
Nguy hiểm hơn là những video thực hiện các “thử thách” có phần mạo hiểm hơn như video “Thử thách 24h sống trong quan tài”, “Thử thách 24h sống dưới đất”, “Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon” hay thậm chí là “Thử thách sử dụng ma túy”… được các bạn trẻ thực hiện, quay video rồi chia sẻ lên Youtube. Những video này đều thu hút rất đông lượt xem bất chấp việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân khi thực hiện các đoạn video này.
Một trào lưu video “bẩn” khác được nhiều Youtuber Việt thực hiện đó là các video bày các trò chơi khăm, sau đó ghi lại phản ứng của “nạn nhân” rồi đăng tải lên Youtube. Bên cạnh một vài video có nội dung hài hước đơn thuần, nhiều video “chơi khăm” một cách thái quá, thậm chí lợi dụng những vấn đề đang gây xôn xao dư luận để “câu view”, khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ.
Chẳng hạn như hồi tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người, nhiều Youtuber Việt đã lợi dụng điều này để thực hiện những đoạn video chơi khăm người khác bằng cách… giả vờ bị nhiễm corona.
Tác giả của những đoạn clip này sẽ đóng giả những triệu chứng của người mắc virus corona, như ho, hắt hơi, sốt, co giật hay thậm chí là ho ra máu… để đánh lừa người xung quanh, sau đó quay lại phản ứng của họ.
Những video này thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lượt xem và đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam, nhưng cũng gây ra không ít phẫn nộ, nhất là trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc để chữa trị và đề phòng dịch bệnh có thể bùng phát tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, nhiều Youtuber Việt thậm chí còn mang mẹ của mình ra để trêu đùa nhằm quay lại các video để “câu view”, chẳng hạn như kênh Youtube có tên Ô.M.Vlog đã thực hiện đọa… đổ cả thau nước mắm lên đầu mẹ của mình như một trò đùa rồi quay video lại để đăng tải lên Youtube.
Mặc dù thanh niên này giải thích rằng video của mình chỉ là “một trò chơi khăm hài hước”, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với video “câu view” này, buộc Ô.M.Vlog phải xóa video của mình, thậm chí phải đóng cửa kênh Youtube.
Ô.M.Vlog cũng không phải là Youtuber Việt duy nhất mang mẹ của mình ra làm trò đùa để quay video “câu view”, một kênh Youtube khác có tên T.L. cũng đã khiến cư dân mạng cảm thấy phẫn nộ sau khi đổ 200 quả trứng sống lên đầu mẹ của mình để quay video rồi chia sẻ lên Youtube.
Đoạn clip của T.L. cũng lập tức gây nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng và phải hứng chịu rất nhiều “gạch đá”. T.L. sau đó đã phải xóa đoạn video gây phẫn nộ trên kênh Youtube của mình, và thực hiện một đoạn clip mà thành viên cùng mẹ của mình gửi lời xin lỗi đến người xem vì hành động “dại dột” của T.L. Thậm chí mẹ của chàng trai này, “nạn nhân” trong đoạn clip kể trên, đã thay mặt con trai gửi lời xin lỗi đến cư dân mạng để con trai mình có thể tiếp tục làm các video mới trên Youtube.
Dường như giờ đây, nhiều bạn trẻ Việt đã chấp nhận dẹp bỏ tất cả, từ danh dự, nhân phẩm đến sức khỏe của bản thân chỉ để được trở nên nổi tiếng trên Youtube và có thể kiếm nhiều tiền từ trang web chia sẻ video này.
Những mối nguy khôn lường từ các video “bẩn” trên Youtube
Một điểm chung của nhiều video “bẩn” và nhảm nhí trên Youtube đó là thường có rất nhiều lượt xem, nhưng lượng lớn người xem là trẻ em và trẻ vị thành niên. Một nguyên do khiến những video “bẩn” này thu hút nhiều trẻ em là vì chúng tường có tiêu đề khơi gợi trí tò mò và hình ảnh đại diện được thiết kế một cách bắt mắt, để ngay cả những trẻ em chưa biết đọc khi xem Youtube cũng cảm thấy tò mò và hấp dẫn để bấm vào xem.
Dù có nội dung “bẩn” và gây nguy hại cho trẻ em, chủ các kênh Youtube này thường không bật chế độ giới hạn trẻ em cho video của mình vì điều này sẽ khiến giảm lượng tương tác của video, từ đó sẽ giảm lượng xem của các video này. Do vậy, không quá khó để bắt gặp những video với nội dung “bẩn” và nhảm nhí xuất hiện ngay trên trang chủ Youtube hoặc ở các khu vực gợi ý.
Điều đáng nói là hiện tại có rất nhiều phụ huynh đang xem Youtube như một công cụ giải trí cho con em mình và để mặc những đứa trẻ tự khám phá các nội dung trên Youtube. Nếu để trẻ em và thiếu niên tiếp cận với những video “bẩn” trên Youtube sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, khi những đứa trẻ ở độ tuổi thích khám phá và chưa đủ nhận thức chính chắn có thể thực hiện theo những thử thách điên rồ và nguy hiểm này rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những mối nguy hại trên Youtube?
Với việc các video “bẩn” và nhảm nhí xuất hiện ngày càng nhiều trên Youtube, các bậc phụ huynh cần phải giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của con em mình trên Youtube nói riêng và trên mạng xã hội nói chung, bởi lẽ không chỉ Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay.
Hạn chế để trẻ tự do khám phá nội dung trên Youtube cũng như tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Quan trọng nhất vẫn chính là việc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình để giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.
Theo: Dantri.com.vn